Ngày 3-2-1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã kịp thời lãnh đạo nhân dân ta đứng lên chống thực dân và phong kiến tay sai. Cao trào cách mạng đã diễn ra trên 25 tỉnh thành trong cả nước, và đặc biệt mãnh mẽ từ ngày Quốc tế lao động 1-5-1930. Ở Nghệ Tĩnh phong trào đấu tranh bùng nổ vào sáng ngày 1-5-1930 với sự tham gia của hơn 1000 công nhân khu công nghiệp Vinh – Bến Thủy. Từ tháng 5 đến tháng 8/1930, ở vùng Nghệ Tĩnh đã có đến 97 cuộc biểu tình của công nhân và nông dân. Từ tháng 8, tháng 9/1930 nông dân các huyện Nam Đàn, Can Lộc, Thanh Chương, Nghi Lộc biểu tình ở các huyện lỵ đòi bãi bỏ sưu thuế, thả tù chính trị, chia lại ruộng đất….
Sau các cuộc đấu tranh này, chính quyền thực dân ở nhiều làng, xã bị tan rã, thay vào đó là chính quyền xô Viết lần lượt xuất hiện trong nhiều tổng huyện của Nghệ An, Hà Tĩnh. Cao trào cách mạng 1930-1931 với sự kết tinh sức mạnh to lớn của khối liên minh công - nông do giai cấp công nhân lãnh đạo đã giáng một đòn quyết liệt đầu tiên vào bè lũ đế quốc và phong kiến tay sai. Đây được xem là cuộc tổng diễn tập đầu tiên để lại bài học quý báu về tập hợp lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này.
92 năm trôi qua, những địa danh như Bến đò Thượng trụ, Ngã ba Nghèn, Nền huyện đường… vẫn ghi dấu những ngày nhân dân Hà Tĩnh nhất tề đứng lên chống lại sự bóc lột hà khắc của chế độ thực dân phong kiến.
Mặc dù thất bại nhưng tinh thần, hào khí xô viết trên vùng quê này vẫn đời đời bất diệt, để lại nhiều bài học quý giá. Và tiếng trống năm 30 vẫn như đang vang vọng khắp các miền quê để thúc giục, nhắc nhớ mọi người về giá trị, sức mạnh của tinh thần đoàn kết .
Theo Thanh Huyền – Thành Trọng – Trường Biên/HTTV