69 năm trôi qua, nhưng những người lính này vẫn nhớ như in về những ngày tháng gian khổ, chung sức, đồng lòng cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Tháng 11/1953, sau khi đập tan cuộc hành quân Hải Âu đánh ra Ninh Bình của địch, lực lượng bộ đội chủ lực của ta theo kế hoạch tác chiến tiến lên Tây Bắc. Thực dân Pháp vội đưa quân lên Điện Biên Phủ để bảo vệ Lai Châu và Thượng Lào. Điện Biên Phủ được địch nhanh chóng xây dựng thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, trở thành tâm điểm của kế hoạch Nava và được coi là “pháo đài bất khả xâm phạm”.
Đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, chọn Điện Biên Phủ làm trận quyết chiến chiến lược. Khó khăn nhất trong thực hiện chiến dịch Điện Biên Phủ chính là vấn đề hậu cần.
Để đảm bảo thắng lợi cho trận quyết chiến chiến lược, sức mạnh tổng hợp của cả hậu phương và tiền tuyến đã được huy động. Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 260 ngàn dân công, với hơn 18 triệu ngày công, cùng hàng chục tấn lương thực, thực phẩm đã được chuyển ra mặt trận với tinh thần “tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”…
Với sức mạnh và quyết tâm đó của cả dân tộc, trải qua 56 ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm", đến ngày 7-5, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Tướng Đờ Ca-xtơ-ri và toàn bộ Bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm đã đầu hàng quân ta vô điều kiện. Lá cờ quyết chiến, quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng đã tung bay trên nóc hầm chỉ huy. Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi là một biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là bài học quý báu về phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong mọi giai đoạn lịch sử.
Thời gian không ngừng trôi, lịch sử dân tộc Việt nam tiếp tục tiến bước trên những hành trình mới, nhưng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đặc biệt là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong chiến dịch vẫn còn nguyên giá trị, trở thành bài học kinh nghiệm mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, và những bài học này cần tiếp tục được chắt lọc, phát huy và vận dụng sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hôm nay./.
Thanh Huyền – Sơn Thủy - Thành Trọng/HTTV