Góc nhìn 08:06 19/05/2023 (0) (336)

Vai trò của giáo dục gia đình trong hình thành và phát triển nhân cách con người

Mỗi người sinh ra và lớn lên đều có một gia đình và đồng thời chịu ảnh hưởng của ba môi trường giáo dục chính là: Gia đình, nhà trường và xã hội. Có thể xem ba môi trường này là cái nôi nuôi dưỡng, tác động rất lớn đến việc hình thành nhân cách của trẻ em, trong đó gia đình là cơ sở, là nền tảng quan trọng có tính chất quyết định nhân cách của các em trong quá trình trưởng thành. Trong giai đoạn hiện nay, vai trò của gia đình càng trở lên vô cùng cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”, bởi gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội; đồng thời, cũng là nơi bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Gia đình Việt Nam truyền thống được hình thành và phát triển, gắn kết một cách bền chặt là do tình nghĩa và trách nhiệm giữa các thành viên; với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp như: Kính trên nhường dưới, hòa thuận, thủy chung, nghĩa tình, hy sinh cho con, tôn trọng, hiếu đễ với ông bà, cha mẹ, anh em, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động,... trở thành cái nôi, thành nền tảng hình thành và nuôi dưỡng nhân cách con người Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước ngày càng đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, gia đình Việt Nam truyền thống đang có những biến đổi mạnh mẽ trong cấu trúc, hình thái, quy mô và mối quan hệ giữa các thành viên, thế hệ. Chịu tác động từ xu thế toàn cầu hóa, những giá trị, chuẩn mực truyền thống cũng đã và đang thay đổi, trong đó, ở không ít gia đình, mối quan tâm, chăm sóc của một bộ phận cha mẹ dành cho con trẻ giảm, thậm chí có không ít gia đình còn “khoán trắng” cho xã hội và nhà trường việc giáo dục con trẻ. Bên cạnh đó, một số không ít cha mẹ thiếu kỹ năng và phương pháp giáo dục khoa học, không quan tâm nhiều đến việc giáo dục đạo đức, lối sống cho con trẻ mà chỉ chú trọng đến việc rèn luyện trí lực, muốn đào tạo những đứa trẻ thành thần đồng, thành nhân tài. Tất cả điều đó đã tạo ra những hệ lụy, ảnh hưởng đến tâm sinh lý, việc học hành, sự hình thành nhân cách, lối sống đúng đắn. Nhận thức sâu sắc thực trạng này, văn kiện các kỳ Đại hội của Đảng, nhất là những nhiệm kỳ gần đây đã nhấn mạnh: “Tình trạng suy thoái, xuống cấp về đạo đức, lối sống, sự gia tăng tệ nạn xã hội và tội phạm đáng lo ngại, nhất là trong lớp trẻ”.


Vậy giáo dục đạo đức, lối sống phải được bắt đầu từ đâu và với phương pháp thế nào?

Việc giáo dục đạo đức, lối sống phải được bắt đầu từ khi đứa trẻ mới được sinh ra và kéo dài cho đến hết cuộc đời. Giai đoạn trẻ còn nhỏ là giai đoạn bản tính còn rất thuần khiết, tâm tư, suy nghĩ trong sáng như tờ giấy trắng. Đây chính là giai đoạn dễ dạy dỗ, uốn nắn nhất. Lúc này các bậc ông bà, cha mẹ, anh chị cần giáo dục, cần gieo vào lòng trẻ hạt giống của lòng nhân hậu, của những giá trị đạo đức tốt đẹp. Tất cả những thói quen ngôn ngữ, kỹ năng ứng xử, tư tưởng, tình cảm, thái độ... đều được đặt nền móng từ giai đoạn này. Nếu gia đình không kịp thời dạy dỗ rất dễ làm cho trẻ mất đi tính thiện vốn có và vô tình để cho những thói hư, tật xấu có cơ hội nảy sinh, hình thành, phát triển, ảnh hưởng đến nhân cách, đạo đức của đứa trẻ khi khôn lớn, trưởng thành.

Khi trẻ còn nhỏ, môi trường tiếp xúc đầu tiên và nhiều nhất của các em chính là gia đình, vì thế giáo dục gia đình có vai trò rất quan trọng với trẻ. Người dạy dỗ trẻ phải là người có nhân cách, có phẩm chất đạo đức tốt để trẻ học tập và làm theo. Người lớn dạy trẻ những kỹ năng sống như: Tập ăn, tập đi, tập nói, tập làm quen với thế giới quanh mình; dạy trẻ những quy tắc, khuôn phép trong ứng xử với mọi người như: Biết chào hỏi ông bà, cha mẹ, anh chị em; khi phạm lỗi biết khoanh tay xin lỗi; khi ra khỏi nhà biết xin phép, khi về nhà biết chào hỏi; khi có người ốm đau, bệnh tật trong gia đình biết ân cần hỏi han, chăm sóc; người thân gặp chuyện buồn biết an ủi, chia sẻ; người thân bận việc biết giúp đỡ...

Đối với con trẻ, muốn giáo dục hiệu quả, phương pháp tốt nhất là hãy cho các con được sống trong một bầu không khí gia đình đầm ấm, hạnh phúc; mọi thành viên trong gia đình luôn hòa thuận, vui vẻ, yêu thương, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, từ đó các con sẽ cảm nhận được sự ấm áp của tình thân, vẻ đẹp của tình người, hình thành, nảy mầm, phát triển trong trái tim chúng những hạt giống tâm hồn tươi đẹp.

Ngược lại, nếu sinh sống trong một môi trường gia đình luôn mâu thuẫn, xung đột, bất hòa, bạo lực, căng thẳng... con trẻ sẽ luôn cảm thấy sợ hãi, bất an; từ đó có đứa trẻ hình thành tính cách sợ hãi, rụt rè, trở lên cáu bẳn, gắt gỏng, xa lánh người thân và dần hình thành xu hướng tính cánh cách bạo lực, thô thiển, lầm lì đó chính là mầm mống cho những tai họa, lạnh lùng, tàn ác có cơ hội hình thành và phát triển.

Đối với con trẻ, giáo dục đạo đức, lối sống không nên dùng biện pháp giáo huấn, thông qua những quan điểm, khái niệm trìu tượng mà phải là cách giáo dục trực tiếp qua hành động, lời nói, việc làm, từ những thói quen trong sinh hoạt, cách sử dụng ngôn ngữ của người lớn trong gia đình luôn phải chuẩn mực, phải tu dưỡng tốt, làm gương để con trẻ học tập, làm theo.

Giáo dục đạo đức, lối sống của mỗi con người nó là cả một quá trình, cần được thực hiện từ khi còn là con trẻ cho đến lúc khôn lớn, trưởng thành. Bởi ở mỗi độ tuổi, biểu hiện của đạo đức, lối sống lại có sự nâng lên ở một tầm cao hơn, cần được bồi tụ, tu dưỡng để luôn là người có đạo đức, lối sống nhân cách tốt đẹp.

Tục ngữ Việt Nam có câu “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó” hay “phụ từ, tử hiếu” như một sự đúc kết, một triết lý giáo dục văn hóa, đạo đức trong gia đình. Hành vi đạo đức của ông bà, cha mẹ không chỉ để lại “quả đức” cho con cháu mà còn là sự gieo trồng đạo đức cho thế hệ sau. Nhân cách, đạo đức, lối sống của các thành viên trong gia đình ảnh hưởng rất nhiều đến con trẻ. Nền tảng của một gia đình hạnh phúc biểu hiện ở mối quan hệ ứng xử tốt đẹp, hiểu biết, sẻ chia, thông cảm và thương yêu nhau giữa vợ và chồng; sự thương yêu, chăm sóc, hy sinh của cha mẹ vì con và sự kính trọng, biết ơn, hiếu thảo của con đối với cha mẹ, ông bà… Cho nên, văn hoá gia đình và giáo dục trong một gia đình văn hóa tạo ra nền nếp, kỷ cương để mọi người cùng thực hiện và đó cũng chính là gia lễ, gia phong - cái gốc của gia đình, giữ cho con người Việt Nam và tạo cho gia đình và xã hội Việt Nam một sức sống mãnh liệt.

Như vậy, có thể thấy gia đình là thiết chế xã hội tạo ra những điều kiện thuận lợi để mỗi cá nhân phát triển trên các phương diện: thể chất, trí tuệ, tình cảm, đạo đức. Phát triển con người toàn diện không chỉ là nhiệm vụ của gia đình, mà còn là nhiệm vụ nhà trường và xã hội. Nhưng so với nhà trường, xã hội thì thiết chế gia đình tác động tới nhiều mặt của nhân cách con người hơn. Trong quá trình giáo dục gia đình, nhân cách con người không chỉ được xây dựng, vun trồng, mà gia đình còn có chức năng điều tiết sự lệch lạc cho mỗi thành viên. Để giúp trẻ em trưởng thành, có nhân cách tốt, trở thành công dân có ích cho xã hội,... là một việc khó khăn không phải một sớm một chiều, cần phải có thời gian và phải được gia đình quan tâm đặc biệt. Do vậy, mỗi gia đình cần định hướng cụ thể mục đích, có phương pháp giáo dục khoa học, quan trọng là cần phải biết kết hợp hài hòa giữa ba môi trường giáo dục: Gia đình - Nhà trường và Xã hội góp phần giúp trẻ sớm hình thành nhân cách sống tốt và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.

Theo Thanh Huyền/HTTV


Cùng chuyên mục

Bình luận


Ý kiến của bạn

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Tin mới

Chương trình mới hàng ngày

Lượt truy cập hôm nay:   7,798
Tổng lượt truy cập:   41,544,678