Điều gì đã làm nên sức sống diệu kỳ ấy? Điều gì mà sau bao nhiêu năm trong nước và thế giới đã đổi thay và còn tiếp tục đổi thay nhưng tư tưởng của Người thì vẫn sống mãi. Thật không đơn giản với bài viết ngắn gọn này có thể lý giải được một cách đầy đủ, trọn vẹn.
Với lòng kính yêu và biết ơn vô hạn trong tháng 5 ngày sinh của Người, lần giở cả ngàn vạn trang sách của các nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước viết về Người để hiểu thêm tầm vóc vĩ đại, sức sống mãnh liệt của cả một hệ tư tưởng trong thời đại ngày nay.
Ngày 1/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 1, công bố Hiến pháp mới năm 1959 - Hiến pháp xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở nước ta. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Trước hết phải khẳng định những tinh hoa tư tưởng Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng vào kho tàng tri thức, kho tàng chính trị, xã hội, nhân văn của thời đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh nằm trong hệ tư tưởng Mác –Lê nin, đỉnh cao của tư tưởng nhân loại, nhưng đã phát triển sáng tạo và làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác- Lê nin.
Như chúng ta biết từ Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành rồi Văn Ba rời bến Nhà Rồng ra đi mang chí lớn. Đó là buổi trưa ngày 5/6/1911, Người đã mang theo hoài bão, niềm khát khao cháy bỏng của tuổi trẻ để tìm đường cứu nước, cứu dân. Và đến năm 1941 mới trở về Tổ quốc.“30 năm ấy chân không nghỉ!”
Hồ Chí Minh là nhà yêu nước Việt Nam đầu tiên đến với Chủ nghĩa Mác –Lê nin và cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Người đã thấy rõ: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” và “ Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại’. Từ nhà yêu nước đầu tiên, Người đã trở thành người cộng sản chân chính.
Hồ Chí Minh là người dân thuộc địa giữa đêm trường khi mà “Nǎm châu thǎm thẳm, trời im tiếng/ Sách thánh hiền lâu đã nhạt màu”; cũng là người cộng sản đầu tiên có cống hiến to lớn về nghiên cứu chủ nghĩa thực dân và vấn đề giải phóng dân tộc để đưa “về nước non xa thức tỉnh đời”.
Người đã nhận ra, đã nêu một luận điểm đặc biệt sáng tạo, đó là cách mạng ở các nước thuộc địa có thể nổ ra và thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc và tác động trở lại thúc đẩy cách mạng chính quốc. Nhận định mang tính qui luật lịch sử đó cũng là niểm tin cách mạng, niềm tin to lớn vào giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Nhân dân Việt Nam hoàn toàn có thể đứng lên “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, không ỷ lại chờ đợi cách mạng chính quốc.
Luận điển sáng tạo đã dự báo, định hướng cho cách mạng Việt Nam suốt chặng đường dài của lịch sử phát triển. Người cũng đã chỉ ra con đường cách mạng không ngừng, từ cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Hơn ai hết, chính Người thấu hiểu sâu sắc nỗi đau của đất nước từng bị phân tranh chia cắt trong lịch sử để nêu cao tư tưởng thống nhất đất nước, cho non sông một dải. Đồng thời phải bảo vệ được chủ quyền thiêng liêng của dân tộc, bởi ở đó đã từng thấm máu hy sinh của bao lớp người ngã xuống!
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến vị trí quan sát đặt trên núi Báo Đông để quan sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến trận đánh các cứ điểm địch ở Đông Khê, mở màn Chiến dịch Biên giới. Hình ảnh vị lãnh tụ tối cao của Đảng, của dân tộc không ngại khó khăn, nguy hiểm ra mặt trận trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến đấu là nguồn động viên to lớn, làm nức lòng quân và dân ra sức thi đua "giết giặc lập công", đưa Chiến dịch đến toàn thắng. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Điều đặc biệt trong tư tưởng của Người, chính Người là nhà chiến lược thiên tài, nhà tổ chức vĩ đại, Người luôn coi tổ chức là vấn đề quyết định mọi thắng lợi. Và mọi thắng lợi đều do con người, từ con người làm nên. “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có con người xã hội chủ nghĩa”. Đó là chủ nghĩa nhân văn hiện thực, cao cả của Hồ Chí Minh.
Cùng với chủ nghĩa Mác –Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và nhân dân ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam.
Với Hà Tĩnh, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã 16 gửi thư, điện viết bài về Hà Tĩnh. Bởi trước hết bởi vùng đất này không chỉ là nơi ghi dấu kỷ niệm thiếu thời của Bác, mà chính con người Hà Tĩnh đã lập nên nhiều chiến công xuất sắc trong kháng chiến, kiến quốc làm Người vui lòng. Do vậy, Người luôn quan tâm, động viên, uốn nắn, chỉ đạo kịp thời phong trào cách mạng của Hà Tĩnh. Những lời dạy bảo, căn dặn của Người đã thôi thúc Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh vượt lên bao thử thách khó khăn giành được những thành tựu to lớn trong 30 năm đổi mới và sau ngày tái lập tỉnh.
Và hôm nay, giữa những ngày tháng 5 lịch sử Bác vẫn như đang dỏi theo, đang “mong con cháu mau khôn lớn, nối gót ông cha bước kịp mình”./.
Nhà báo Phan Trung Thành