Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo Nhân dân tại nhà sàn ở chiến khu Việt Bắc, năm 1951 - Ảnh tư liệu
Đã có hàng trăm câu chuyện nói về sự bình dị, khiêm nhường của Người, giản dị từ nơi ở đến hành trang; từ tấm gương rèn luyện đến tiếp xúc trò chuyện với đồng bào, đồng chí với những lời dạy dễ hiểu, dễ nhớ và cả tài ứng khẩu của Người trước bất cứ đối tượng nào. Tất cả đều đưa chúng ta đến bất ngờ về một con người vĩ đại, một tượng đài lung linh của những ánh sáng huyền diệu từ Người.
Sau “30 năm ấy, chân không nghỉ”, Người đã đến 28 quốc gia trên thế giới và trở về Tổ quốc với một ý chí mãnh liệt: Dân tộc Việt Nam phải được hồi sinh,nước Việt Nam phải được độc lập, tự do; đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, ước nguyện cháy bỏng tâm can ấy đã thành hiện thực.
Còn nhớ, những tháng năm khi ở giữa núi rừngViệt Bắc không kể hết những gian khổ, thiếu thốn đủ bề. Đó là những ngày “Bữa cơm muối măng non, bí đỏ/ Tháng ngày vui có Bác mà ngon”để làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công long trời lở đất, thành lập nên nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Kháng chiến thắng lợi, năm 1954 Bác về Thủ đô, lúc đầu Trung ương có ý định mời Bác về ở trong ngôi nhà của Toàn quyền cũ vì đó có đủ tiện nghi sinh hoạt, đảm bảo tốt cho sức khỏe và tiện việc tiếp khách và mọi công việc của Chủ tịch nước, nhưng Bác không chịu. Bác bảo Bác chứ không phải viên Toàn quyền, không phải vua, Chủ tịch một nước nghèo, chưa có quyền hưởng thụ quá mức trung bình của người dân, nên Bác đã chọn ở trong ngôi nhà của anh thợ điện ngày trước; bình dị như bao ngôi nhà khác, cũng mái ngói, nền đất, gần anh em phục vụ trong không khí ấm cúng gia đình. Mãi đến năm 1958, Trung ương quyết định xây nhà cho Bác, nhưng Bác chỉ nhất trí làm kiểu nhà sàn của đồng bào Việt Bắc.
Nhà sàn Bác Hồ được xây dựng trong khu Phủ Chủ tịch - Ảnh tư liệu
Hành trang của Người thật đặc biệt đến trở thành huyền thoại. Đôi dép cao su, Bác đi từ thuở chiến khu, rồi bộ quần áo kaki và ngay cả xe ô tô Bác đi công tác… Hành trang của Bác, của một vị lãnh tụ giản dị, khiêm nhường, là sự nêu gương trong những thời điểm cả nước còn lo đánh giặc, dựng xây, đủ bề thiếu thốn, khó khăn.
Cuộc đời của Bác là mẫu mực về tự rèn luyện. Người quan niệm “gian nan rèn luyện mới thành công” đã trở thành đức tính, bản lĩnh của người cộng sản. Bác có được kiến thức uyên bác, kết tinh trí tuệ Đông Tây kim cổ là nhờ công khổ luyện. Bác hoàn thiện, tự tại, có sức mạnh để cảm hóa mọi nhân cách thế gian này cũng do rèn luyện mà nên.
Cả cuộc đời Người luôn nghĩ đến giải phóng những người lao động cần lao, nghĩ đến nhân dân mình,dân tộc mình. Người luôn lo từ việc nhỏ bình thường đến việc quốc gia đại sự, từ người nghèo đến thái bình cho cả dân tộc.“Nâng niu tất cả chỉ quyên mình”. Người là vị lãnh tụ của nhân dân, được mọi người gọi bằng những ngôn từ trìu mến, thân thương, gần gũi nhất.“Người là Cha, là Bác là Anh”.
Bác là lãnh tụ nhưng khi hòa mình vào nhân dân không phải nói những lời giáo huấn đơn điệu mà là sự kết hợp hài hòa của một trí tuệ uyên bác, khoa học và tác phong quần chúngvới những lời nói bình dị, dễ hiểu để chuyển tải thành thông điệpvà luôn dí dỏm, tự nhiên. “Con nghe Bác, tưởng nghe lời non nước/ Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau”. Phong cách đó chỉ có ở Hồ Chí Minh, một vĩ nhân, một bậc thánh hiền giữa đời thường.
Bác đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người với nhiều nền văn hóa khác nhau, tích lũy được vốn kiến thức uyên thâm, kết tinh, tinh hoa trí tuệ loài người, nhưng khi đến với cán bộ, nhân dân, những tinh hoa ấy, trí tuệ ấy được Bác chuyển hóa phù hợp với từng đối tượng cần trao đổi một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ nhớ. Đọc lại các bài nói chuyện của Bác ở từng đối tượng dù có chung mục đích, thông điệp về nội dung nhưng cách thức, ngôn từ, cách chuyển tải bao giờ cũng khác. Sự linh hoạt, mẫn cảm, tinh tế trong giao tiếp đó chỉ có ởngười đỉnh cao trí tuệ, nghệ thuật của một thiên tài, mà rất bình dị, ân cần và gần gũi.
Tháng năm về, nhớ công ơn trời biển của Người, nhớ lời ân cần chỉ bảo của Người khi về thăm Hà Tĩnh cách đây 63 năm. Ngày đó, ở cương vị Chủ tịch nước, nhưng khi trở lại Hà Tĩnh, Bác gần gũi, đồng cảm chia sẻ, dặn dò chu đáo mọi việc. Người vẫn giữ những phẩm chất, cốt cách của người con xứ Nghệ, vùng quê đã nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách Hồ Chí Minh thời thơ ấu.
* Chữ in nghiêng là trích thơ Tố Hữu
Nhà báo Phan Trung Thành