Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh Lũng Cú , tỉnh Hà Giang - Ảnh Tư liệu
Kiêu hãnh tự hào làm sao khi lá cờ đỏ sao vàng ấy hình thành nên từ máu lửa trong khởi nghĩa Nam Kỳ. Lá cờ đỏ sao vàng được Bác Hồ hằng ấp ủ “sao vàng năm cánh mộng hồn quanh” vào những đêm không ngủ trong lao tù của bọn Tưởng Giới Thạch. Lá cờ đỏ sao vàng khi Cách mạng Tháng Tám thành công và rợp trời Ba Đình trong ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập. Những giây phút ngập tràn niềm vui, hạnh phúc “Việt Nam! Việt Nam! Cờ đỏ sao vàng!/ Những ngực nén hít thở Ngày Độc Lập!/Nguồn lực mới bốn phương lên tới tấp!/ Nếp cờ bay chen vỗ sóng bài ca...”(1)
Kiêu hãnh tự hào làm sao khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm Đờ cát tơ ri với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”. Lá cờ đỏ sao vàng được những người mẹ, người chị nâng niu, gìn giữ cất dấu trong căn hầm bí mật rồi thỏa sức phấp phới tung bay giữa bầu trời cao rộng trong đại thắng mùa xuân năm 1975; miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà.
Kiêu hãnh tự hào làm sao khi người lính hải quân trên đảo Gạc Ma đứng thành vòng tròn quanh lá cờ Tổ quốc trước họng súng tàn bạo kẻ thù. Anh ngã xuống vẫn ôm chặt lá cờ đỏ sao vàng; để hôm nay tung bay giữa muôn trùng sóng gió, khẳng định chủ quyền thiêng liêng biển, đảo. Đó là lá cờ đỏ sao vàng đang ngày đêm tung bay trên đỉnh núi Rồng (Long Sơn) xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc. Như đâu đây vọng lại tiếng ngàn xưa “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư” và cả những hồi trống thời vua Quang Trung để khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia, dân tộc.
Kiêu hãnh tự hào làm sao khi cờ đỏ sao vàng hiên ngang tung bay ở Trụ sở Liên hợp quốc, ở căn cứ phái bộ gìn gữi hòa bình của Liên hợp quốc trên đất Châu Phi và ở 189 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới có quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Và tự hào, kiêu hãnh làm sao khi cờ đỏ sao vàng rợp trời tung bay đón chào đội bóng đá Việt Nam giành ngôi Á quân giải vô địch bóng đá U23 châu Á năm 2018 và các Đoàn thể thao thành công trên các đấu trường quốc tế.
Lá cờ đỏ sao vàng luôn là biểu tượng thiêng liêng về phẩm giá sáng ngời của dân tộc đã được các thế hệ người Việt Nam trong và ngoài nước trân trọng, gìn giữ. Lá cờ đỏ sao vàng là minh chứng khẳng định sự thống nhất, độc lập, tự chủ và hòa bình của đất nước; là nói đến những năm tháng đấu tranh kiên cường, bất khuất, đổ máu hy sinh anh dũng của dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách đến ngày thắng lợi.
Trân trọng những thành quả to lớn mà Cách mạng tháng Tám, ngày Tết độc lập mang lại, những chiến công vĩ đại vang lừng, những đổi thay diệu kỳ từ công cuộc đổi mới, càng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh người khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa và biết bao anh hùng liệt sỹ đã tô thắm lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng.
Người dân treo cờ Tổ quốc vào ngày lễ - Ảnh Tư liệu
Hàng năm vào dịp lễ tết, khắp nơi trên mọi nẻo đường ngõ phố, làng quê lại rợp bóng cờ đỏ sao vàng. Việc treo cờ ở các cơ quan công sở, trường học… đã có qui định, ở các hộ gia đình thường theo thông báo của chính quyền địa phương. Việc treo cờ đã trở thành nét đẹp văn hóa trong các hoạt quan trọng của cộng đồng.Lá cờ đỏ sao vàng được đặt đúng vị trí luôn thể hiện sự trang nghiêm, tôn kính niềm tự hào, kiêu hãnh của mỗi người Việt Nam.
Tuy nhiên, đây đó có nơi cờ treo chưa đúng qui định, cờ treo suốt tháng ngày để bạc màu.Treo cờ đúng ngày qui định thì việc hạ cờ cũng phải đúng thời gian mới có ý nghĩa.
Mặc dù việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có Hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhưng không phải ở địa phương nào cũng có qui định chi tiết, cụ thể, có kiểm tra theo dõi thường xuyên.
Treo cờ, sử dụng cờ đỏ sao vàng chính là việc làm thể hiện sự trân trọng những giá trị thiêng liêng của dân tộc, là niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân cùng đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước phát triển bền vững lâu dài./.
Nhà báo Phan Trung Thành
(1).Thơ Xuân Diệu