Sự gia tăng số ca bệnh ngay trước thời điểm Olympic diễn ra với sự tham gia của hàng nghìn vận động viên, nhà báo và quan chức, cho thấy thách thức mà nước chủ nhà Trung Quốc phải đối mặt: cố gắng tổ chức Thế vận hội và vẫn tuân thủ các tiêu chuẩn Zero COVID.
Dự kiến, Olympic Bắc Kinh sẽ khai mạc vào ngày 4/2. Những người chưa tiêm chủng sẽ phải trải qua 21 ngày cách ly. Những người đã tiêm chủng đầy đủ sẽ được yêu cầu ở trong một "bong bóng" khép kín, được quản lý chặt chẽ từ khi họ đến cho đến khi rời đi. Họ cũng phải xuất trình 2 xét nghiệm âm tính trước khi đến và làm các xét nghiệm hằng ngày. Bên trong "bong bóng" có phương tiện đi lại, thậm chí có hệ thống đường sắt riêng kết nối các địa điểm.
Theo kế hoạch, phần lớn các địa điểm thi đấu chính sẽ ở bên ngoài thủ đô Bắc Kinh. Người hâm mộ sẽ không được phép vào trong "bong bóng" để đảm bảo an toàn cho các vận động viên và những người khác. Tuy đã đặt ra những hạn chế nghiêm ngặt là vậy, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với áp lực lớn trong bối cảnh xuất hiện biến thể Omicron.
Tuy nhiên, biến thể Omicron là thách thức mới nhất đối với chính sách Zero COVID của Trung Quốc. So với biến thể Delta, Omicron lây lan nhanh hơn và khó bị phát hiện hơn. Chuẩn bị cho Thế vận hội, giới chức Trung Quốc đã kêu gọi người dân hạn chế đi lại không cần thiết. Các cơ quan y tế cũng yêu cầu người dân tự khai báo nếu đã đến khu vực có dịch. Bắc Kinh cùng nhiều thành phố khác cũng khuyến khích người dân không về quê ăn Tết, tránh đi lại nhiều làm tăng nguy cơ bùng phát dịch.
Ban tổ chức Olympic Bắc Kinh cũng sẽ đưa robot vào phục vụ để phát hiện người không đeo khẩu trang và nhắc nhớ họ tuân thủ quy tắc phòng dịch.
Ngoài ra, ban tổ chức khẳng định không có kế hoạch phong tỏa thủ đô Bắc Kinh và Thế vận hội sẽ diễn ra như bình thường với việc áp dụng "bong bóng" khép kín.
Theo TTXVN