Cùng với sự du nhập của phật giáo vào khu vực Đông Nam Á, phật giáo xuất hiện ở Việt Nam từ rất sớm và được đông đảo giai tầng trong xã hội đón nhận. Tại Hà Tĩnh, theo một số tài liệu, Phật giáo xuất hiện từ thời Hùng Vương và hiện diện qua tất cả các thời kỳ.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 100 ngôi chùa có hoạt động phật giáo ổn định với khoảng 22 ngàn tín đồ. Trong nhiều năm qua, các tín đồ phật giáo luôn tích cực tham gia vào các phong trào thi đua lao động sản xuất, các cuộc vận động, công tác từ thiện, nhân đạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Các đại biểu tham luận tại hội thảo
Tại hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, bài nghiên cứu liên quan đến sự hình thành và phát triển của Phật giáo trên đất Hà Tĩnh; làm sáng rõ thêm một số vấn đề liên quan đến chùa Quỳnh Viên, ngôi chùa được cho là nơi đầu tiên Thiền sư Phật Quang truyền đạo phật vào Việt Nam và một số ngôi chùa cổ khác; bàn luận về vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của Phật giáo Hà Tĩnh đối với sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Ông Võ Hồng Hải - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy (ngoài bên trái) dự hội thảo
Với gần 80 bài tham luận được nghiên cứu công phu, nghiêm túc và dựa trên những luận cứ khoa học rõ ràng, hội thảo đã góp phần làm rõ lịch sử phật giáo Hà Tĩnh, cũng như những vai trò, đóng góp to lớn của phật giáo Hà Tĩnh đối với quê hương đất nước trong tiến trình lịch sử.
Đại biểu tăng ni dự hội thảo
Đây cũng là tiền đề gợi mở những công trình nghiên cứu chuyên sâu toàn diện, khách quan về Phật giáo Hà Tĩnh nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Trong khuôn khổ của hội thảo, các đại biểu cũng đã tham quan gian trưng bày Chuyên đề “Di sản văn hóa phật giáo Hà Tĩnh” với nhiều bức ảnh và hiện vật có giá trị./.
Thanh Huyền, Đình Phi/HTTV