Từ nhiều tháng nay, Khách sạn Công đoàn Thiên Cầm phải thuê thêm lao động phổ thông về tự đào tạo để làm việc vị trí buồng phòng. Theo lãnh đạo đơn vị, qua hơn 2 năm dịch bệnh covid 19, Khách sạn đã cố gắng duy trì các chính sách để giữ chân lao động trong thời gian nghỉ dịch, như: bảo đảm mức lương tối thiểu, đóng bảo hiểm, trợ cấp cho nhân viên… nhưng do thu nhập giảm, công việc không ổn định nên nhiều lao động đã nghỉ việc.
Nhân lực qua đào tạo tại tất cả các bộ phận đều thiếu hụt
Câu chuyện thiếu hụt nguồn nhân lực chưa qua đào tạo không chỉ xảy ra với một vài khách sạn mà ở hầu hết các cơ sở lưu trú, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Có những đơn vị, nguồn nhân lực chính chỉ đáp ứng được 30%, số còn lại phải thuê lao động thời vụ và chấp nhận thuê lao động chưa qua đào tạo để thực hiện các phần việc như: hướng dẫn viên du lịch, buồng phòng, nhà hàng hay một số vị trí trong bếp.
Do dịch bệnh Covid-19, khiến cho lao động phải tìm việc mới dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch
Thiếu nguồn nhân lực sẽ tạo ra những "lỗ hổng" lớn trong ngành du lịch nhất là trong thời điểm khi các hoạt động du lịch đang sôi động trở lại. Do đó, công tác đào tạo nghề, nhất là đào tạo nhân lực có trình độ, có tay nghề càng trở nên cấp bách hơn. Để giải bài toán nguồn nhân lực cho ngành du lịch đòi hỏi cần có sự chung tay của ba nhà đó là: nhà nước - nhà trường và nhà doanh nghiệp.
Để thu hút khách du lịch, ngoài các yếu tố về phong cảnh, cơ sở hạ tầng thiết yếu, các dịch vụ đi kèm thì tinh thần, thái độ phục vụ, trình độ, tay nghề của nhân viên nhà hàng, khách sạn và người hướng dẫn tua cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Việc thiếu hụt một lượng lớn lao động có chuyên môn, có tay nghề đang là thách thức lớn cho ngành du lịch của Hà Tĩnh.
Tuệ Trang, Thành Trọng/HTTV