Sản xuất trong lĩnh vực chế bến gỗ mỹ nghệ nhưng Công ty Cổ phần Yên Thịnh, ở thành phố Hà Tĩnh chỉ có diện tích nhà xưởng chưa đầy 1.000m2. Vì không có sân bãi tập kết nên toàn bộ gỗ nhập về đều phải để bên lề đường phơi nắng, phơi mưa, dẫn đến hư hỏng, mục nát, gây tổn thất cho doanh nghiệp.
Mặc dầu đã làm hồ sơ gửi các cơ quan chức năng để xin thuê mặt bằng sản xuất, thế nhưng sau một thời gian dài công ty vẫn trong tình trạng phải chờ đợi.
Để đón đầu cơ hội phát triển, doanh nghiệp Hà Tĩnh đã tích cực tham gia vào nhiều lĩnh vực có thế mạnh. Một trong những lĩnh vực được quan tâm hiện nay đó là sản xuất các sản phẩm xuất khẩu như may mặc, chế biến nông, lâm sản, dịch vụ hậu cần cảng biển, logistic… Đây đều là những lĩnh vực cần sử dụng diện tích mặt bằng lớn, thời gian thuê đất dài hạn. Thế nhưng trên thực tế do vướng mắc thủ tục, về giá thuê đất nên các doanh nghiệp đang thực sự lúng túng.
Hà Tĩnh hiện đang có 9 khu công nghiệp, 23 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã được xây dựng, thế nhưng tỉ lệ lấp đầy mới chỉ đạt trên 56%. Ngoài ra còn rất nhiều diện tích đất vàng có lợi thế thương mại đang bị bỏ hoang, hoặc không xác định được nguồn gốc để thu hồi, tổ chức khai thác. Đây là một thực trạng cần sớm được rà soát để tránh nghịch lý doanh nghiệp thì thiếu mặt bằng còn hạ tầng khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hay đất vàng đô thị thì lại bỏ hoang.
Có thể nói, cùng với vốn thì mặt bằng đang là một trong những rào cản để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hồi phục kinh tế sau Đại dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp có vốn, có chiến lược, có công nghệ nhưng không có mặt bằng, dẫn đến phải đi thuê lại mặt bằng của những đơn vị khác với gia cao gấp nhiều lần so với giá nhà nước. Đây là một điểm nghẽn rất cần đến sự đồng hành của các cấp chính quyền và ngành chức năng để tập trung tháo gỡ./.
Sỹ Tâm/HTTV