Xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc là địa phương có diện tích sản xuất hành tăm tập trung khá lớn với gần 130 ha. Để từng bước xây dựng sản phẩm đạt chứng nhận Vietgap, những năm qua chính quyền địa phương đã tích cực vận động bà con nông dân ở đây thay đổi tư duy sản xuất, nhất là hạn chế sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm sạch. Tuy nhiên do thị trường tiêu thụ chưa ổn định, mức giá bán ra cao khó cạnh tranh với những vùng sản xuất khác là lý do khiến cho nhiều người dân vẫn chưa mặn mà với việc triển khai xây dựng mô hình theo tiêu chuẩn Vietgap.
Còn đây là hơn 10 ha chuyên sản xuất các loại rau củ quả như cà rốt, bí đỏ, củ cải của Hợp tác xã thương mại dịch vụ tổng hợp và chăn nuôi Hà Trung, tại xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên. Được công nhận đạt chuẩn Vietgap từ năm 2019, đến nay chứng nhận này đã hết hạn. Khó khăn trong đầu ra khiến cho diện tích sản xuất của Hợp tác xã cũng bị dần thu hẹp. Đang là cao điểm sản xuất vụ Đông, thế nhưng phần lớn diện tích ở đây vẫn còn bỏ trống.
Chỉ tính riêng diện tích vụ Đông, toàn tỉnh hiện nay có trên 4.500 ha diện tích đất sản xuất rau, tuy nhiên trong số đó chỉ có 2 ha được công nhận đạt chuẩn VietGap. Việc phát triển diện tích rau Vietgap hiện nay còn rất nhiều hạn chế.
Quy trình sản xuất khắt khe, chi phí đầu tư lớn trong khi đầu ra của sản phẩm lại hết sức khó khăn là những trở ngại khiến cho người nông dân ít mặn mà với sản xuất rau an toàn. Đây cũng là lý do Hà Tĩnh khó giữ vững được các diện tích rau Vietgap. Để tháo gỡ bài toán đầu ra cho sản phẩm sạch rất cần sự nỗ lực từ nhiều phía, đặc biệt là sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc tìm kiếm doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân./.
Thanh Huyền/HTTV