Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước hiện có gần 500 doanh nghiệp với hơn 600.000 lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động.
Điều đáng nói, trong khi nhiều lao động người Hà Tĩnh đang làm việc tại các tỉnh thành trên cả nước phải về quê vì không có việc làm, thì tại quê nhà, nhiều doanh nghiệp vẫn đang “đỏ mắt” tìm lao động.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn đang có nhu cầu tuyển gần 3.000 lao động trong các lĩnh vực may mặc, bao bì, sản xuất sợi, cơ khí, thuỷ sản… Mặc dù các đơn vị đã đưa ra nhiều chế độ phúc lợi cho người lao động, nhưng việc tuyển dụng lại đang gặp không ít khó khăn.
Phần vì số đông lao động trẻ có tâm lý muốn đi xa để trải nghiệm, thử sức; phần vì mức lương ở các doanh nghiệp trong tỉnh thấp hơn so với các tỉnh thành phía Nam nên các lao động muốn ly hương để tìm việc làm cũng là điều dễ hiểu. Nhưng xét ở góc độ khác, lao động làm việc ở các thành phố lớn mức thu nhập có thể cao hơn nhưng mức sống, nhu cầu chi tiêu hàng ngày cũng cao hơn rất nhiều. Trong khi ở địa phương, mức lương tuy thấp hơn, nhưng lao động được ở gần gia đình thì chi phí sinh hoạt, tiêu dùng ít hơn nên số tiền tích luỹ được cũng cao hơn.
Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tăng cao, khi nhiều dự án lớn đã khởi công và đi vào hoạt động trong thời gian tới. Thiết nghĩ, người lao động cần cân nhắc kỹ càng, lựa chọn cho mình một công việc phù hợp, để vừa ổn định cuộc sống, vừa góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, để giữ chân được người lao động ở lại quê nhà làm việc, thì mức lương và các chế độ phúc lợi khác cũng cần được các doanh nghiệp tính đến./.
Ngọc Khánh – Trọng Thái/HTTV