Năm 2022, các sở, ngành địa phương đã tập trung công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, góp phần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh, chế biến.
Trong năm các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành đã tiến hành kiểm tra hơn 11.460 lượt cơ sở; phát hiện 1.041 lượt cơ sở vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, xử phạt hành chính với với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng và tịch thu tiêu hủy nhiều hàng hóa vi phạm. Tuy nhiên, công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế. Việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm chưa được triệt để. Công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm còn gặp một số khó khăn.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã phân tích một số giải pháp để tiếp tục làm tốt hơn công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong năm 2023, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và lễ hội Xuân 2023.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu yêu cầu các sở, ngành, địa phương, tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung Chỉ thị số 17, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư, về “tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” và các quyết định, văn bản chỉ đạo của tỉnh về nội dung này. Tập trung đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, mở các chuyên trang, chuyên mục trên sóng Đài PT&TH Hà Tĩnh và Báo Hà Tĩnh, để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ cở sản xuất, kinh doanh, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đối với các huyện thị, thành phố cần ưu tiên nguồn kinh phí để thực hiện nội dung này, và tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn./.
Hà Vân – Thành Trọng/HTTV