Đến nay, toàn huyện Hương Sơn có gần 15.000 ha rừng trồng, độ che phủ rừng chiếm 73%; trong đó, có gần 24.000 ha rừng được cấp chứng chỉ mô hình quản lý rừng bền vững FSC. Từ năm 2019 – 2022, thực hiện chính sách trồng bổ sung, làm giàu rừng tự nhiên, huyện đã chỉ đạo trồng trên 5.600 ha cây bản địa các loại. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có một số, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ nguyên liệu rừng trồng. Nếu được hỗ trợ, phát triển đúng định hướng, các cơ sở này sẽ đem lại nguồn thu lớn về kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn và góp phần giảm lượng khí CO2, rác thải, bảo vệ môi trường...
Nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngày càng cao phục vụ cho sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gỗ nói chung và năng lượng sinh khối nói riêng, thời gian tới, huyện Hương Sơn tập trung tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị, hình thành các vùng rừng nguyên liệu tập trung với mục tiêu 1.000 ha rừng/mỗi năm. Bên cạnh đó, chú trọng trồng bổ sung làm các loại cây gỗ lớn, cây bản địa với sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác hàng năm đạt trên 70.000 m3.
Theo Tuệ Trang - Thành Trọng/HTTV