Xã hội 16:22 20/03/2023 (0) (128)

Đổi mới đào tạo, góp phần tăng tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm

Theo thống kê, tỷ lệ học sinh, sinh viên các trường nghề trên địa bàn Hà Tĩnh sau khi tốt nghiệp có việc làm đạt trên 80%. Đây là tín hiệu khả quan, phản ánh bước chuyển tích cực trong công tác đào tạo nghề thời gian qua.

Một giờ thực hành của lớp cao đẳng cắt gọt kim loại K20, trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh. Bước sang kỳ học thứ 4, sinh viên đã tiếp cận và sử dụng khá thành thạo các loại máy công cụ để gia công các chi tiết đòi hỏi kỹ thuật cao. Những tiết học thực hành như thế này chiếm trên 70% thời gian học của sinh viên.


Không chỉ dành nhiều thời gian thực hành tại trường, học sinh, sinh viên các trường nghề tại Hà Tĩnh còn được đào tạo thực tế tại các nhà máy, xưởng sản xuất thông qua các đợt thực tập theo diện liên kết nhà trường và doanh nghiệp… Bên cạnh góp phần giúp học sinh, sinh viên nắm bắt các kiến thức, rèn luyện kỹ năng nghề trong môi trường thực tế thì qua đợt thực tập còn là dịp để đánh giá kết quả đào tạo cũng như tay nghề của các em.


Thời gian qua, nhiều cơ sở đào tạo nghề tại Hà Tĩnh đã hợp tác liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ học sinh, sinh viên thực hành nghề tại cơ sở sản xuất và tổ chức đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Từ đó đã góp phần nâng cao tỉ lệ học sinh, sinh viên được các doanh nghiệp tuyển dụng sau khi ra trường. Nhiều trường tỷ lệ đạt trên 90% như: Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh, Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh, Trung cấp nghề Hà Tĩnh.


Theo thống kê, khối ngành kỹ thuật với những mã ngành như công nghệ ô tô, cơ khí, điện… là những ngành tỉ lệ sau đào tạo có việc làm đạt gần 100%. Đây cũng là những ngành học đang được lao động Hà Tĩnh lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên đây cũng là những vị trí việc làm các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài đặt ra những yêu cầu khắt khe, đòi hỏi quá trình đào tạo của các nhà trường phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng.


Hà Tĩnh đã và đang triển khai nhiều dự án lớn, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao. Việc các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn nỗ lực đổi mới phương pháp dạy và học theo nhu cầu của thực tiễn, tăng tỷ lệ có việc làm sau đào tạo là những tín hiệu tích cực, góp phần nâng cao chất lượng lao động trên địa bàn./.

Nguyễn Trung – Thanh Tùng/HTTV


Cùng chuyên mục

Bình luận


Ý kiến của bạn

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Tin mới

Chương trình mới hàng ngày

Lượt truy cập hôm nay:   4,667
Tổng lượt truy cập:   41,499,413