Sáng nay (25/3), tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã diễn ra Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế- xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Dự hội nghị có lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Nam, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế cùng đại diện một số Bộ, ngành Trung ương.
|
Chương trình hợp tác phát triển kinh tế- xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Trung du miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung Bộ được tập trung thực hiện trên các lĩnh vực: Đầu tư bất động sản, xây dựng và phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; xúc tiến thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông; văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội.
Trên cơ sở thỏa thuận đã ký kết, các tỉnh, thành đã triển khai nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh hiệu quả, thực hiện thành công nhiều mục tiêu hợp tác phát triển. Qua đó, thu hút được các nguồn lực từ Thành phố Hồ Chí Minh vào đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tăng cường mối quan hệ truyền thống giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Tại Hà Tĩnh, hai địa phương đã thực hiện hiệu quả nhiều chương trình hợp tác trên các lĩnh vực. Nổi bật, là hiện có 22 dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh với tổng số vốn đăng ký hơn 8.400 tỷ đồng.
Hà Tĩnh đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn để đầu tư, khai thác phát triển cảng biển và trung tâm Logistics Vũng Áng - Sơn Dương, đồng thời ban hành chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container qua cảng Vũng Áng. Thành phố Hồ Chí Minh cũng hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho hoạt động an sinh xã hội, phòng chống thiên tai và tôn tạo di tích lịch sử cách mạng.
Về phía Hà Tĩnh cũng đã đồng hành, chia sẻ cùng Thành phố và các tỉnh phía Nam trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, với tổng số tiền và hiện vật hơn 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các tổ chức như Hội Doanh nghiệp, Câu lạc bộ Doanh nhân Hà Tĩnh ở các tỉnh phía Nam cũng tích cực kết nối xúc tiến đầu tư, vận động, ủng hộ các chương trình từ thiện, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh về những tiềm năng lợi thế của Hà Tĩnh, đồng thời thể hiện cam kết của tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi để mở rộng và thực hiện hiệu quả Chương trình hợp tác.
Đồng chí đề nghị các tỉnh trong khu vực cùng tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, trong đó xác định hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh là yếu tố quan trọng hàng đầu để thúc đẩy phát triển khu vực Bắc Trung Bộ. Quá trình hợp tác, các bên cần chú trọng tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, lợi thế của khu vực Bắc Trung Bộ; Quan tâm hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn mà Hà Tĩnh đang ưu tiên, phù hợp với định hướng Quy hoạch tỉnh. Tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng chuỗi sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh; hỗ trợ quảng bá giá trị văn hóa, truyền thống, con người Hà Tĩnh.
Phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là xây dựng, quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế; khai thác phát triển cảng biển và trung tâm logistics; giới thiệu, thu hút lao động người Hà Tĩnh vào làm việc tại các doanh nghiệp, các khu kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh.
Tại hội nghị, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ đã ký kết Chương trình Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025./.
Nguyễn Hằng- Lê Vinh/HTTV