Để thuận tiện trong công tác chăm sóc, bảo vệ đàn trâu nên chuồng trại chăn nuôi của gia đình ông Đặng Quang Sông, xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà được xây dựng ngay một bên cổng nhà, trước ngõ ra vào. Chăn nuôi trong thời gian dài đã làm cho môi trường nơi đây bị ô nhiễm, do quỹ đất hẹp nên việc di dời chuồng trại ra phía sau vườn, xa nhà ở rất khó thực hiện.
Chuồng trâu nhà ông Đặng Quang Sông, xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà
Do quy hoạch bất hợp lý trong việc xây dựng nhà cửa và các công trình phụ trợ, phần lớn công trình vệ sinh ở xã Ích Hậu đều được làm ngay trước mặt nhà; hay sát tuyến đường đi. Mặc dù thời gian qua, chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động người dân di dời các công trình để đảm bảo môi trường nhưng vì nhiều lý do nên hiện nay vẫn còn gần 200 công trình chăn nuôi chưa thể di dời, điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình xây dựng NTM nâng cao của xã.
Hầu hết các gia đình chăn nuôi trâu bò đều bó trí chuồng trại phía trước
Hiện nay huyện Lộc Hà đã hoàn thành 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và các xã đang nỗ lực để từng bước hoàn thành các tiêu chí xã NTM nâng cao trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, việc di dời các công trình chăn nuôi để đảm bảo môi trường trong các khu dân cư đang là thách thức của một số xã. Để giải bài toán này, huyện Lộc Hà đã ban hành chính sách hỗ trợ cụ thể cho từng hộ dân, từng bước hoàn thành công tác di dời chuồng trại để đảm bảo hợp vệ sinh.
Các địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao đều vướng vào tiêu chí môi trường
Công trình chuồng trại chăn nuôi được bố trí ngay trước cổng nhà, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm mất mỹ quan ở từng khu dân cư, ảnh hưởng lớn đến quá trình xây dựng NTM nâng cao của các xã. Vì vậy, chính quyền các xã ở huyện Lộc Hà đã và đang nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân di dời các công trình chăn nuôi và thực hiện các biện pháp xử lý nhằm đảm bảo vệ môi trường của mỗi miền quê./.
Hà Vân, Hà Phương/HTTV