Đầu tư 4 nhà màng trên diện tích 1 héc ta, mô hình dưa lưới của Hợp tác xã Dịch vụ và thương mại cây trồng Đồng Uyên, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc dự kiến sẽ trồng 3.500 gốc mỗi mùa. Thế nhưng do đầu ra bấp bênh, giá cả thiếu ổn định nên 2 năm nay, Hợp tác xã chỉ trồng hơn 1.200 gốc mỗi mùa. 2/3 nhà lưới còn lại buộc phải phải để dành gối vụ.
Dưa lưới Đồng Uyên không phải là sản phẩm Ocop duy nhất ở Thượng Lộc gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Sản phâm dưa lưới Loan Việt, thôn Anh Hùng đạt chuẩn 3 sao vào năm 2021 cũng có chung tình trạng trên. Nhà xưởng rộng rãi nhưng chỉ trồng 1/3 diện tích mà lý do là chủ cơ sở không thể tìm đầu ra cho sản phẩm nên không dám trồng nhiều. Nhà lưới đầu tư gần 1 tỷ đồng mà không thể sử dụng hết đã trở thành chỗ phơi quần áo, tập kết công cụ lao động, gây lãng phí.
Can Lộc hiện có 20 sản phẩm Ocop đạt chuẩn, trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao. Tuy nhiên hiện một số sản phẩm Ocop ở Can Lộc đang gặp khó khăn về tiêu thụ và chỉ bán tại các địa phương lân cận…Cùng với khăn về thị trường thì giá cả các sản phẩm cũng không ổn định, nhiều cơ sở gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất.
Thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại tuy đã được nhiều địa phương ở Can Lộc quan tâm triển khai, nhưng vẫn còn thiếu đồng bộ; chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu, rộng khắp để tạo hình ảnh, nhận diện sản phẩm và thay đổi nhận thức của người tiêu dùng để sản phẩm OCOP phát triển và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường./.
Tiến Long/HTTV