Tham dự đồng chí Võ Hồng Hải – Uỷ viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ; đồng chí Trần Văn Kỳ - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Những năm qua, ngành Y tế Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, Trung tâm Y tế tuyến huyện và trạm y tế tuyến xã; Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, triển khai thêm các kỹ thuật mới, tiên tiến, hiện đại, góp phần nâng cao công tác chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân.
Về tự chủ tài chính, trong giai đoạn 2020 - 2023, toàn tỉnh có 10 đơn vị tự đảm bảo được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên; 5 đơn vị tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động thường xuyên. Đối với mô hình hoạt động, đến nay có 7/13 đơn vị cấp huyện thực hiện mô hình trung tâm y tế ba chức năng, thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh, dân số - kế hoạch hóa gia đình và y tế dự phòng. Tuy nhiên, một số đơn vị còn gặp khó khăn trong việc cân đối, bố trí nguồn để chi thường xuyên; mô hình hoạt động của tuyến y tế cấp huyện chưa đồng nhất gây nhiều bất cập trong công tác quản lý, điều phối nhân lực trong ngành…
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã phân tích thêm một số tồn tại trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ và mô hình hoạt động của các Trung tâm y tế cấp huyện; đề xuất nhiều giải pháp để tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tú Anh - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị ngành y tế Hà Tĩnh tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của tuyến y tế cơ sở, góp phần chăm sóc sức khoẻ Nhân dân;
Đồng chí yêu cầu: Ban Văn hoá xã hội HĐND tỉnh, sở Y tế và các sở, ngành liên quan tiếp tục đánh giá toàn diện, khách quan về ưu, nhược điểm của các mô hình hoạt động của Trung tâm Y tế cấp huyện, từ đó đề xuất tỉnh lựa chọn mô hình phù hợp với thực tiễn./
Theo Hà Vân - Đình Phi/HTTV