/

Báo chí cần gì?

09:23 21/06/2024
44 lượt xem

Đó là câu hỏi “nóng”, là trăn trở lớn và thường trực không chỉ đối với những người làm báo, kể từ khi báo chí phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức do sự bùng nổ thông tin mạng xã hội, đồng thời nhiều cơ quan báo chí phải lo tự chủ về tài chính (toàn bộ hoặc một phần).

Sự thật là rất nhiều thông tin báo chí bị chậm hơn mạng xã hội; nhiều thông tin trên mạng xã hội hấp dẫn người đọc, người xem, nhưng báo chí chính thống không đăng do cơ quan chức năng không cung cấp, hoặc thông tin “nhạy cảm” chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Hệ lụy nguy hiểm là người dân xem thông tin trên mạng xã hội ngày càng nhiều, báo chính thống nguy cơ mất vai trò định hướng dư luận.

Điều đáng báo động thứ hai là do phải tự chủ về tài chính nên không ít cơ quan báo chí và nhà báo mải lo làm kinh tế để bảo đảm đời sống; ít quan tâm đến chất lượng tin, bài. Thậm chí, để có nhiều hợp đồng truyền thông-quảng cáo và để “câu view, câu like”, có báo đưa thông tin sai, thông tin chưa được kiểm chứng, rút tít giật gân không đúng bản chất sự việc; còn có nhà báo, tòa báo đưa tin “bẩn”, dọa dẫm... để “ăn tiền”, khiến uy tín của báo chí suy giảm.

Hai lý do cơ bản trên làm cho báo chí ngày càng khó khăn. Thực tế cho thấy không mấy người trẻ có trình độ, năng lực giỏi mặn mà, tâm huyết với nghề báo. Đây là điều rất đáng báo động!

Một trang Báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận Điện Biên Phủ và biểu tượng ghi dấu tòa soạn tiền phương và nhà in Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Báo chí là một mặt trận. Cán bộ báo chí là chiến sĩ cách mạng. Cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng... Chính Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội đã trực tiếp viết báo và tổ chức làm báo, thông qua báo chí để tuyên truyền, vận động, tổ chức quần chúng làm cách mạng.

Sinh thời, Tổng Bí thư Trường Chinh (từng trực tiếp phụ trách, chỉ đạo Báo Cờ giải phóng, Báo Sự thật, Báo Nhân Dân) đã nhấn mạnh: "Đảng, Nhà nước, nhân dân còn nghèo, song với các cơ quan báo chí, Đảng, Nhà nước sẽ không tiết kiệm ở chỗ này. Bởi vì sản phẩm của các đồng chí là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, nó có tác động rất rộng lớn không gì thay được, nó còn là tài liệu lưu trữ lâu dài, cho nên những người có tính hời hợt đại khái, thiếu trách nhiệm thì không nên để làm việc trong các cơ quan báo chí"...

Soi vào thực tiễn báo chí hiện nay, khi những thông tin nhiễu loạn từ internet, mạng xã hội tràn lan, đặc biệt là thông tin chống phá sự nghiệp cách mạng đang từng giờ, từng phút tấn công làm cho nhân dân hoang mang, dao động thì chúng ta không khỏi giật mình, lo ngại!

Cần phải làm gì để báo chí giữ vững vai trò cung cấp thông tin chính thống, định hướng dư luận, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?  

Hơn lúc nào hết, báo chí cần được các cơ quan chức năng chủ động cung cấp thông tin kịp thời; cần đổi mới mạnh mẽ cách truyền tải thông tin sao cho sinh động, hấp dẫn để không bị thua mạng xã hội.

Các cơ quan báo chí rất cần được đầu tư ngân sách để không phải “tự bơi”, đừng để nỗi lo “cơm áo” chiếm hết tâm can làm cho nhà báo "bẻ cong ngòi bút", đồng thời khó thu hút nhân lực chất lượng cao.

Báo chí cần được tạo cơ chế, chính sách thuận lợi, nhất là cần thay đổi tư duy quản lý, loại bỏ tư tưởng nông cạn và ấu trĩ coi báo chí chỉ là lực lượng thứ yếu, là bộ phận phục vụ và khắc phục xu hướng thương mại hóa báo chí. Vì thực tế ngày càng cho thấy, đây chính là “binh chủng đặc biệt”, có vai trò quyết định đến thành-bại của cách mạng.

Mọi sức mạnh vật chất cũng sẽ dẫn đến thất bại nếu đánh mất trận địa tinh thần. Chân lý này cần được quán triệt sâu sắc, đặc biệt là trong bối cảnh nhiễu loạn của “ma trận thông tin”!

Theo Cát Huy Quang/QĐND.vn

Link bài gốc

Xem thêm phản hồi...