/

Khi phái mạnh trở thành kẻ yếu

16:18 22/06/2024
32 lượt xem

Trong một báo cáo tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung công bố một con số khá bất ngờ, đó là khoảng 1/6 nạn nhân bạo lực gia đình là nam giới. Đây dường như là điều hoàn toàn trái ngược so với cách nghĩ truyền thống

Anh T.H.T, thành phố Hà Tĩnh chia sẻ rằng trong nhiều thời điểm anh không muốn bước chân về nhà. Bởi trong nhà anh gần như không có bất cứ tiếng nói quyết định nào.

Từ mua sắm các vật dụng, ăn uống, sinh hoạt, dạy dỗ con cái, nhất nhất đều phải hỏi ý kiến vợ. Rồi các mối quan hệ cũng bị vợ kiểm soát. Công việc không ổn định, thu nhập thấp khiến anh hầu như không đủ tự tin để lên tiếng. 

Anh T.H.T, thành phố Hà Tĩnh nạn nhân bạo lực gia đình

Những áp lực tinh thần kiểu như trên được các chuyên gia xếp vào diện bạo lực gia đình. Theo phân tích của Viện Khoa học xét xử - Tòa án nhân dân tối cao qua các vụ án hôn nhân và gia đình hàng năm cho thấy: 42% có nguyên nhân từ bạo lực gia đình.

Trong số đó, tỷ lệ vợ đánh chồng là 0.6%, vợ mắng chồng là 8.5%, vợ ép chồng quan hệ tình dục là 1.6%.

Còn trong báo cáo kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cũng đã đưa ra một con số rất đáng chú ý: đó là trong số 3.200 vụ bạo lực gia đình được thống kê thì có 565 trường hợp nạn nhân là nam giới.

Rồi nữa bạo lực gia đình năm 2023 tuy giảm về số vụ so với năm 2022 nhưng lại tăng về số lượng nam giới bị bạo lực. Con số này trong thực tế chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều bởi nhiều ông chồng dù là nạn nhân bạo lực gia đình nhưng cố tình che giấu vì vô số lý do tế nhị. 

Theo các chuyên gia thì phụ nữ thường ít có khả năng gây bạo lực về mặt thể xác nhưng lại không kém ưu thế khi thực hiện các hành vi bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế trong gia đình. Nhiều chị thường xuyên đẩy chồng vào tình thế chỉ biết phục tùng, thụ động, chỉ đâu làm đấy.

Nhiều phụ nữ coi chồng như của riêng mình, ngăn cấm mọi giao tiếp, quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp, kiểm soát các khoản thu nhập. Rồi những đòi hỏi quá mức về tình dục, những yêu cầu không giới hạn về tiền, về thời gian xử lý công việc trong nhà, công việc nội ngoại…đều sẽ đẩy người chồng vào trạng thái căng thẳng. 

Nếu như trước đây nếp gia phong được hiểu và thực hiện một cách khá máy móc trong nhiều gia đình, dẫn đến vị trí người đàn ông  luôn được thượng tôn, gây nên sự gia trưởng, độc đoán, đẩy phụ nữ vào thế yếu, thì nay cấu trúc gia đình đã cởi mở thông thoáng hơn nhiều.

Trong từng điều kiện cụ thể, không ít phụ nữ đã vươn lên trở thành trụ cột gia đình về kinh tế, hơn chồng về địa vị chính trị, địa vị xã hội. Nếu không xử sự một cách hài hòa, khéo léo và có hiểu biết thì rất dễ dẫn đến những áp lực vô hình cho người chồng. Và khi đó bạo lực gia đình về mặt tinh thần là khó có thể tránh khỏi. 

Từ những con số đã được công bố cho thấy: tỷ lệ nam giới bị bạo lực gia đình vẫn còn khá khiêm tốn so với nữ giới. Tuy nhiên từ những vụ việc xảy ra trong thực tế vẫn cho thấy một điều: đó là nam giới không phải khi nào cũng là phái mạnh và ngược lại.

Phong trào bình đẳng giới cho phụ nữ đang được lan tỏa tích cực và rất cần phải được đề cao, nhưng bình đẳng giới không có nghĩa là phải đấu tranh để thay thế, đổi ngôi cho nhau trong các vai trò, đặc tính thuộc về thiên chức. Điều cốt yếu chính là sự tôn trọng thừa nhận vị trí của nhau dưới từng mái nhà của cả 2 phía. 

Bạo lực gia đình dĩ nhiên đi ngược với tiến bộ xã hội và bị pháp luật nghiêm cấm. Bạo lực đến từ những người chồng vũ phu, kém văn hóa là điều không thể chấp nhận, nhưng bạo lực đến từ những người vợ coi thường chồng, săm soi chồng, đòi hỏi quá mức cần thiết ở chồng lại là điều còn đáng trăn trở hơn.  

Phụ nữ là phái đẹp. Cái đẹp của phụ nữ không chỉ ở nhan sắc mà còn là cách hành xử. Và cách hành xử đẹp trong gia đình sẽ phải được bắt đầu bằng 2 từ tôn trọng.

Không có thứ bình đẳng nào trong gia đình mà ở đó một người được quyền hơn người khác, được đạp đổ đối phương để tự hào vùng lên./.

Kiều Sương/HTTV 

Xem thêm phản hồi...