Khoảng trống hướng nghiệp
Một nhóm nghiên cứu thuộc Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) mới đây công bố kết quả khảo sát: Tính trung bình, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp làm trái ngành là 21,43%; tỷ lệ này tại một số lĩnh vực đào tạo thực tế còn ở mức cao hơn 60%. Thực trạng trên cho thấy, bài toán về định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên hiện nay càng trở nên quan trọng, cấp thiết.
Làm trái ngành là thực trạng không quá mới lạ ở Việt Nam. Không thể phủ nhận, hiện nay, sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể nhanh chóng lựa chọn một công việc, cho dù là trái ngành.
Thậm chí, nhiều bạn trẻ trong xu thế thị trường phải “giấu bằng” cử nhân để đi làm công nhân, chạy xe ôm công nghệ...
Thế nhưng khi môi trường công việc ngày càng trở nên cạnh tranh thì đòi hỏi không chỉ cần kỹ năng mà phải có chuyên môn, năng lực thực sự. Ở góc độ vĩ mô, đây là căn nguyên dẫn đến nghịch lý vừa thừa lại vừa thiếu lao động.
Sinh viên ra trường khó làm đúng nghề, nhưng nhiều vị trí việc làm trong các cơ quan, doanh nghiệp không thể tuyển được người phù hợp, thậm chí phải đào tạo lại.
Thực tế này đang gây lãng phí nguồn nhân lực, tác động tiêu cực đến nền kinh tế, sự ổn định và phát triển của đất nước.
Ảnh minh họa: TTXVN
Hướng nghiệp là hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi học sinh, sinh viên trước ngưỡng cửa bước vào đời. Tuy vậy, thời gian qua, vai trò hoạt động này chưa thực sự thiết thực, hiệu quả, để lại nhiều khoảng trống.
Nhiều bậc phụ huynh vẫn nặng tư tưởng trọng thương hiệu nhà trường hơn là ngành nghề con mình lựa chọn.
Có nhà trường lại chưa coi trọng hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nên tổ chức mang tính hình thức, thậm chí xã hội hóa, thị trường hóa, không đúng với ý nghĩa giáo dục.
Từ thực tế này, đòi hỏi bài toán liên kết, định hướng nghề nghiệp giữa gia đình, nhà trường, cơ quan tuyển dụng cần phải thực tế, thiết thực, hiệu quả hơn. Bắt đầu từ mỗi gia đình, mỗi bậc phụ huynh phải giúp con em mình hiểu rõ năng lực, sở trường của bản thân, hướng theo ngành nghề phù hợp.
Hoạt động giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp phải giúp các em tiếp cận và nhận thức được nhiều hơn về các ngành nghề để hoạch định kế hoạch phát triển bản thân.
Các cơ sở đào tạo ngành, nghề cần cân đối nhu cầu thị trường để đào tạo số lượng tương ứng; tổ chức các sự kiện, chuỗi chương trình hướng nghiệp; kết nối giữa người học và người sử dụng lao động để hướng nghiệp thiết thực.
Và hơn hết, bản thân mỗi cá nhân phải có động cơ phấn đấu đúng đắn, quyết tâm theo đuổi đam mê; biết phát huy thế mạnh, trau dồi kiến thức, kỹ năng, vận dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác sinh động./.
Theo Phạm Kiên/QĐND.vn