/

Không ảo tưởng về “quyền lực thứ tư”

10:11 14/06/2024
176 lượt xem

Báo chí luôn được xã hội ưu ái, tôn trọng và tin tưởng, được xem như “quyền lực thứ tư”. Tuy nhiên, không ít người làm báo đã ảo tưởng cho rằng “quyền lực thứ tư” chính là sức mạnh cá nhân mình để rồi làm điều xằng bậy.

Hiện nay, báo chí đang góp phần đắc lực trong cuộc chiến chống tham nhũng và những vấn đề tiêu cực trong xã hội. Báo chí còn được xem là một trong những “điểm tựa” niềm tin của nhân dân, là sức mạnh to lớn chống lại cái xấu, cái ác, cái tiêu cực. Thế nhưng, một số người làm báo đã lợi dụng niềm tin của nhân dân đối với báo chí để mưu cầu lợi ích không chính đáng cho bản thân.

Năm 2023, phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố 3 người về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”. Đây là những kẻ lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi, gây bức xúc dư luận.

Lê Danh Tạo tại cơ quan công an, tháng 3 năm 2023

Cầm đầu là Lê Danh Tạo, 57 tuổi, trú tại phường Trần Phú, TP. Hà Tĩnh. Tham gia đường dây còn có Hồ Thị Hải (41 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Sống khỏe và Pháp luật), là vợ của Lê Danh Tạo và Hồ Kim Cường (35 tuổi) là em trai của Hồ Thị Hải.

Theo cơ quan điều tra, đối tượng Lê Danh Tạo từng là nhà báo, cộng tác viên của một số tờ báo, tạp chí. Quá trình hoạt động, phát hiện thấy nhiều lái xe thường mắc các lỗi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Lê Danh Tạo đã yêu cầu các lái xe này chung chi 6 - 8 triệu đồng/tháng/xe để nhận được “bảo kê”.

Tạo cam kết chỉ cần là “xe của Tạo” thì lực lượng chức năng sẽ bỏ qua hoặc nếu bị dừng, kiểm tra thì Tạo sẽ trực tiếp gọi điện can thiệp. Mỗi tháng đường dây này thu lợi bất chính số tiền trên 1 tỷ đồng.

Hoặc mới đây nhất, Cơ quan CSĐT Công an Hà Tĩnh vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Phạm Gia Thành (SN 1993, thường trú tại thôn Tùng Lâm, xã Nam Điền, huyện Thạch Hà), là nhà báo thuộc Tạp chí Bầu trời rộng mở và Đặng Hải Nam (SN 1981, thường trú tại Khối phố 2, phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) là phóng viên của Tạp chí Doanh nghiệp về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Từ khoảng tháng 12/2023 đến ngày 27/03/2024, 2 đối tượng đã chiếm đoạt gần 100 triệu đồng của 6 cá nhân là các đơn vị đang thi công công trình trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Như vậy, đã có một số nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng chức quyền để thực hiện các hành vi trái pháp luật. Nhưng bên cạnh đó, trong quá trình tác nghiệp, một số nhà báo lại còn có những hành vi gây ra sự phiền toái quá mức cho người khác.

Một số nhà báo, phóng viên còn tỏ thái độ trịch thượng, bắt ép, hoặc thậm chí là doạ dẫm, vòi vĩnh, gây khó dễ.

Với chức năng thông tin, giám sát, phản biện xã hội, định hướng dư luận, hoạt động của các cơ quan báo chí đã có tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Chính vì vậy, cho đến nay, báo chí vẫn được xã hội xem như “Quyền lực thứ tư” sau quyền Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp.

Cũng chính vì như vậy, có không ít trường hợp người làm báo ảo tưởng về “quyền lực thứ tư”, dẫn đến hiện tượng “báo chí cửa quyền”.

Pháp luật đã có những ràng buộc trách nhiệm của cơ quan báo chí và nhà báo. Theo đó, Khoản 2 Điều 13 Luật Báo chí quy định: “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ.

Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân”.

Về quyền và nghĩa vụ của nhà báo được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 25 Luật Báo chí 2016, nêu rõ: Không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật; Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp luật; Tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Nói như vậy để thấy rằng, càng được xem là một trong những “điểm tựa” niềm tin của nhân dân, là sức mạnh to lớn chống lại cái xấu, cái ác thì khi nhà báo vi phạm các nguyên tắc cũng như đạo đức nghề nghiệp, càng phải lên án mạnh mẽ.  

Ảo tưởng quyền lực để dùng quyền lực làm công cụ thực hiện các hành vi xấu xa sẽ bị xử lý nghiêm minh, nghiêm khắc theo Pháp luật.

Trong thời đại công nghệ thông tin chiếm vị trí ngày càng quan trọng, thậm chí có ý kiến cho rằng, ai có thông tin người đó chiến thắng thì báo chí vẫn được xem là “quyền lực thứ tư”.

Thế nhưng, quyền lực báo chí luôn đi kèm với trách nhiệm, nghĩa vụ, tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp chứ không phải là quyền năng để “ảo tưởng” và lạm dụng.

Có thể nói, nghề nào cũng cần đạo đức nghề nghiệp. Nhưng với nghề báo, đạo đức nghề nghiệp càng phải đặt lên hàng đầu, bởi thông tin của nhà báo luôn có tính chất hai mặt. Bởi vậy, nhà báo cần làm việc một cách Trung thực, khách quan, chính xác, chứ không được dối trá, phiến diện, sai lệch.

Và tất cả những nhà báo lợi dụng nghề nghiệp để thực hiện “báo chí cửa quyền”, đều phải nhận cái kết đắng.

Từ đó thấy rằng, giá trị thực sự chỉ được xây dựng nên từ những nhà báo thực thụ. Để nhận được sự tôn trọng, tự thân mỗi nhà báo, phóng viên phải tự mình khẳng định năng lực, trình độ và trên hết là đạo đức, trách nhiệm và văn hóa ứng xử. 

Đó cũng là cách mà mỗi người làm báo phải vượt lên chính mình, tự định vị bản thân trong đời sống xã hội bằng tài năng, đạo đức và trách nhiệm./.

Thục Anh/HTTV

Xem thêm phản hồi...