/

Phản bác các luận điệu xuyên tạc công cuộc phòng, chống tham nhũng

10:38 24/06/2024
75 lượt xem

Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta đã đạt kết quả bước đầu, được Nhân dân trong nước đồng tình ủng hộ và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã ra sức chống phá, đặc biệt là thông qua những vụ án mà đối tượng là những cán bộ, đảng viên giữ vị trí cao trong bộ máy Nhà nước để xuyên tạc, tung ra các luận điệu sai trái nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước.

Nhìn lại 10 năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được cả hệ thống chính trị vào cuộc với nhận thức ngày càng rõ hơn, thực hiện với quyết tâm ngày càng cao hơn, thể hiện qua số lượng vụ án được xử lý ngày càng nhiều, trên hầu hết lĩnh vực, không có vùng cấm, ở tất cả địa phương.

Nhiều vụ đại án đã đưa ra xét xử, những cán bộ tham nhũng phải nghỉ việc, phải vào tù. Ảnh minh họa

Đặc biệt là trong năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp trên cả nước đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, hơn 24.160 đảng viên. Trong đó, thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm.

Đến nay Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã thi hành kỷ luật hàng chục cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Cùng với cả nước, công tác phòng chống tham nhũng ở Hà Tĩnh cũng được thực hiện một cách tích cực, công khai. Nhiều vụ việc đã được phát hiện xử lý.

Hiện tại, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng và tiêu cực tỉnh Hà Tĩnh đã đưa vào diện theo dõi xử lý 16 vụ việc. Từ đầu năm 2024 đến nay cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 173 đảng viên; Ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 55 đảng viên, trong đó có nhiều người vi phạm vì liên quan đến đạo đức công vụ.

Ngược lại với quyết tâm làm trong sạch đội ngũ của Đảng thì các thế lực thù địch lại đang lợi dụng công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng để hạ thấp uy tín của Đảng. Với những đại án kinh tế, tham nhũng được khởi tố điều tra, xét xử, các thế lực thù địch, phản động lại suy diễn là “thanh trừng nội bộ”, “triệt hạ lẫn nhau”, “đánh bóng tên tuổi”, chỉ mang tính chất “phong trào”...

Không khó để bắt gặp trên các trang mạng xã hội những luận điệu sai trái, cố tình phủ nhận thành quả, lấy cớ kích động chống phá, bất chấp những nỗ lực và kết quả mà Đảng ta đã đạt được trong công tác phòng chống tham nhũng.

Đây cũng là chiêu trò của các thế lực thù địch nhằm thực hiện âm mưu chống phá chế độ ta với chiến lược “diễn biến hòa bình”. Rất nhiều vụ việc từ hiện tượng đã bị quy thành bản chất, bị bóp méo, xuyên tạc sai lệch.

Một trong những luận điệu là các thế lực chống phá cho rằng: Tham nhũng chỉ là căn bệnh có ở Chủ nghĩa cộng sản. Song từ thực tế cho thấy, tham nhũng là hành vi xuất hiện cùng với sự ra đời của Nhà nước, ở mọi quốc gia với chế độ chính trị - xã hội khác nhau.

Căn nguyên của tham nhũng không nằm ở chế độ đa đảng hay một đảng, mà là do sự tha hóa quyền lực và thiếu kiểm soát quyền lực sinh ra. Do đó, Đảng ta đã ban hành nhiều cơ chế mới để kiểm soát quyền lực và các quy định về những điều Đảng viên không được làm, để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực.

Chính vì vậy, trước hết, Đảng viên và quần chúng nhân dân phải nâng cao nhận thức về căn nguyên tham nhũng, từ đó tránh việc “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.

Hiện nay để nâng cao nhận thức cho Đảng viên, các tổ chức cơ sở Đảng đã tăng cường công tác quán triệt Nghị quyết, đặc biệt là giúp Đảng viên nhận diện và phản bác một cách khoa học các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng.

Có như vậy mỗi đảng viên sẽ trở thành lá chắn cho Đảng trong việc tuyên truyền đấu tranh trước những luận điệu xuyên tạc về công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Cùng với học tập quán triệt Nghị quyết thì từ năm 2023 đến nay việc lan tỏa các tư tưởng của cuốn sách, “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến từng cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân cũng là một việc làm thiết thực.

Không chỉ giúp cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân thấy được công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng mà còn có thể nhận diện được những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Công cuộc phòng chống tham những đã được Đảng ta thực hiện thường xuyên liên tục. Đặc biệt là từ tháng 12 năm 2003, Việt Nam đã tham gia ký kết Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng. Suốt từ đó đến nay, chúng ta chưa từng lơi lỏng trên mặt trận đấu tranh này.

Những nỗ lực và kết quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Theo kết quả điều tra dư xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương, đại đa số người dân (93%) bày tỏ niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh này.

Do đó việc đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc là hết sức cần thiết để góp phần vào thắng lợi chung cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Năm 2024 là thời điểm quan trọng lựa chọn nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp, để tìm những cán bộ có tâm, có tầm, trung thành với sự nghiệp của Đảng, với nhân dân cơ cấu vào đội ngũ của Đảng nhiệm kỳ tới.

Chính vì vậy, cần phải gạn đục khơi trong, phải căn cứ vào thực tiễn thực hiện nhiệm vụ để đánh giá cán bộ, ngược lại, phải xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm. 

Phải khẳng định rằng, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ thể hiện quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh mà còn thể hiện thái độ cầu thị, tự phê bình, không che giấu khuyết điểm của Đảng cầm quyền, dù khuyết điểm đó rất lớn. 

Có như vậy, chúng ta mới phản bác được những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về phòng chống tham nhũng. Bác Hồ đã từng nói: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”1.

Trần Vũ/HTTV

Xem thêm phản hồi...