Chiến lược đầy tham vọng

Chiến lược chất bán dẫn của Malaysia gồm 3 giai đoạn cùng với chính sách ưu đãi thuế lên tới 25 tỷ ringgit Malaysia (5,3 tỷ USD) nhằm đưa nước này trở thành trung tâm trong ngành sản xuất chất bán dẫn ở châu Á trong thập kỷ tới.

Theo chiến lược đầy tham vọng trên, Kuala Lumpur đang nhắm tới mục tiêu đầu tư trong nước ít nhất 500 tỷ ringgit Malaysia (hơn 106 tỷ USD) cho thiết kế mạch tích hợp, địa điểm đóng gói hiện đại, cũng như đầu tư nước ngoài vào các nhà máy sản xuất tấm bán dẫn và thiết bị bán dẫn. Kế hoạch này cũng nhằm thu hút vốn và sự quan tâm của những gã khổng lồ công nghệ cao như Apple, Huawei và Lenovo để thúc đẩy hoạt động sản xuất tại Malaysia.

Ngoài lời kêu gọi đầu tư và chính sách ưu đãi thuế, Chính phủ Malaysia còn muốn “tạo ra hệ sinh thái được thúc đẩy bởi các công ty Malaysia năng động và tài năng đẳng cấp thế giới, đồng thời thiết lập quan hệ đối tác với các tập đoàn nước ngoài để có thể cạnh tranh ở cấp độ khu vực và toàn cầu”, Thủ tướng Anwar Ibrahim phát biểu tại Triển lãm Semicon Đông Nam Á 2024 diễn ra cuối tháng 5 vừa qua ở Kuala Lumpur.

Malaysia đặt mục tiêu trở thành trung tâm của ngành bán dẫn ở châu Á. Ảnh: stock.adobe.com 

Theo Bộ trưởng Đầu tư, thương mại và công nghiệp Malaysia, ông Abdul Aziz, xuất khẩu chất bán dẫn hiện chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, qua đó giúp Malaysia trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 6 trong lĩnh vực này. Tại bang Penang, Malaysia đã phát triển “Thung lũng Silicon của phương Đông”. Tập đoàn Infineon của Đức và Intel của Mỹ đã đầu tư vào Malaysia. Google cũng đang tiếp bước khi nhất trí chi 2 tỷ USD để xây dựng trung tâm dữ liệu đầu tiên của tập đoàn tại quốc gia Đông Nam Á này. “Với kinh nghiệm xây dựng và phát triển ngành bán dẫn trong 50 năm qua, Malaysia sẽ tiếp tục nâng cao vị thế và vai trò trong ngành bán dẫn thông qua ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI)”, Bộ trưởng Abdul Aziz nói.

Để trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn được công nhận trên toàn cầu, cần sự hỗ trợ của các trường đại học và công ty. Do đó, Malaysia có kế hoạch đào tạo lực lượng lao động có trình độ cao gồm 60.000 kỹ sư trong vòng 5 đến 10 năm tới.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt

Giám đốc điều hành Cơ quan Đầu tư và phát triển Malaysia, ông Sikh Shamsul Abdul Majid khẳng định quyết tâm đưa Malaysia trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu. Với chính sách hỗ trợ tốt, cùng cơ sở hạ tầng hiện đại và đội ngũ lao động có trình độ tay nghề cao, Malaysia đang trở thành điểm đến lý tưởng đối với các doanh nghiệp đang tìm cách thiết lập sự hiện diện và mở rộng hoạt động kinh doanh ở châu Á.

Thông báo này của Malaysia được đưa ra vài ngày sau khi Trung Quốc quyết định bơm số tiền tương đương hơn 47 tỷ USD vào một “quỹ lớn” để củng cố ngành công nghiệp bán dẫn của nước này. Đây là bước tiến quan trọng đối với Trung Quốc-quốc gia đang nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn tự cung tự cấp.

Sau nhiều tháng phong tỏa vì đại dịch Covid-19, Trung Quốc đang hy vọng thu hút được nhà đầu tư mới. Trong cuộc gặp gần đây với ông Lee Jae-yong, Chủ tịch Samsung Electronics, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khẳng định, Trung Quốc luôn cởi mở với các công ty nước ngoài và cam kết thực hiện những biện pháp nhằm tăng cường niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Samsung Electronics là một trong những gã khổng lồ về chip và điện thoại thông minh trên thế giới. Tân Chủ tịch Lee Jae-yong đặt kỳ vọng lấy lại vị trí dẫn đầu trên thị trường chất bán dẫn toàn cầu.

Hàn Quốc cũng có ý định tham gia cuộc cạnh tranh khốc liệt về chất bán dẫn. Đầu tháng 6, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol công bố “chương trình hỗ trợ toàn diện cho ngành bán dẫn trị giá 26.000 tỷ won (19,1 tỷ USD), bao gồm tài chính, cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển, cũng như hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

Theo Bình Nguyên/qdnd.vn

Link bài gốc