/

Bảo đảm ý nghĩa chính sách tăng lương, bình ổn thị trường

07:59 24/06/2024
36 lượt xem

Chỉ còn ít ngày nữa là đến thời điểm tăng mức lương cơ sở. Bên cạnh tâm lý phấn khởi chung của cán bộ, công chức và người dân còn có sự lo ngại về giá hàng hóa, dịch vụ sẽ biến động, nhất là hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ tăng mạnh. Trước thực trạng này, TP Hồ Chí Minh và cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm bình ổn thị trường, kích cầu mua sắm, kiểm soát lạm phát, giữ vững đà tăng trưởng, bảo đảm ý nghĩa thiết thực của đợt tăng lương cơ sở lần này.

Nỗi lo tăng giá trước thềm tăng lương

Nhiều công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có niềm vui chung là mức lương cơ sở tăng và một số điều chỉnh mới trong chính sách tiền lương được áp dụng từ ngày 1-7 tới đây. Tuy nhiên, cùng với niềm vui đó là nỗi lo thường trực: Giá cả hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng theo lương. 

Chị Nguyễn Thị Ngọc Thoa, công chức sinh sống tại quận Bình Thạnh chia sẻ: "Mức lương cơ sở tăng hơn 30%, cao nhất từ trước đến nay, khiến tôi và nhiều đồng nghiệp vui mừng. Mức tăng lần này sẽ bù đắp thêm chi phí cuộc sống hằng ngày cho gia đình tôi, là nguồn động lực để tôi gắn bó, phấn đấu trong công việc.

Nhưng điều khiến chúng tôi khá lo lắng và hy vọng không tái diễn là điệp khúc lương tăng, giá cũng tăng như trước đây. Điều này sẽ làm giảm ý nghĩa, sự nỗ lực của Chính phủ trong việc tăng lương cơ sở lần này và đời sống của người hưởng lương, người lao động nghèo sẽ không được cải thiện là bao".

 Người lao động mua hàng tại hội chợ bình ổn giá trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VIỆT HOÀNG

Ghi nhận tại thị trường bán lẻ TP Hồ Chí Minh trong quý II-2024 cho thấy giá một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường biến động nhẹ.

Mặt hàng thịt heo, gạo đều điều chỉnh tăng giá theo diễn biến chung của giá thị trường. Các mặt hàng thực phẩm chế biến, thực phẩm đông lạnh, nước giải khát, hóa mỹ phẩm và các loại rau, củ, quả đã tăng giá nhẹ.

Sự biến động này phần lớn là do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan gây mất mùa khiến nguồn cung giảm, hoặc do tác động của các yếu tố bên ngoài như tỷ giá, chi phí vận hành phía nhà cung ứng, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao. 

Thực tế nhiều năm nay, phản ứng thông thường của thị trường là lương tăng thì giá cũng tăng theo, thậm chí giá cả thị trường còn tăng trước khi chính sách tăng lương có hiệu lực.

Tình trạng giá tăng theo lương thường tập trung vào những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và ở những giai đoạn, thời điểm hệ thống phân phối còn mỏng, nguồn cung hàng hóa của doanh nghiệp hạn chế, dễ đứt gãy, khả năng điều tiết, can thiệp thị trường yếu nên mới có tình trạng đầu cơ, nâng giá...

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu loại trừ yếu tố tâm lý đầu cơ, tăng lương không phải là nguyên nhân chính, trực tiếp làm gia tăng lạm phát. Tuy nhiên, tăng lương cơ sở lần này ở mức cao nên cũng không loại trừ nhiều đối tượng lợi dụng chính sách này để đẩy giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao.

TP Hồ Chí Minh là thị trường lớn, là đầu mối cung ứng hàng hóa, dịch vụ, có tác động lớn, dẫn dắt thị trường khu vực và cả nước, cần chủ động thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát, nhất là thực hiện đồng bộ các chính sách điều hành, quản lý, kiểm soát thị trường. 

 Nguồn hàng dồi dào tại các siêu thị tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VŨ THANH

Cân bằng cung - cầu, đẩy mạnh khuyến mại tập trung

Trước đợt tăng lương cơ sở lần này, TP Hồ Chí Minh và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động triển khai hàng loạt hoạt động bình ổn giá, thúc đẩy bán lẻ, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, góp phần ngăn chặn làn sóng tăng giá khi lương tăng.

Theo chương trình bình ổn thị trường do Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh công bố, nguồn hàng bình ổn thị trường của thành phố vừa triển khai tăng 4-6% so với năm 2023, chiếm tỷ lệ 21-32% thị phần tháng bình thường, 24-41% nhu cầu thị trường cao điểm Tết Nguyên đán. 

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, thành phố có nhiều kinh nghiệm qua những lần điều chỉnh, tăng lương trước đây nên đã có sự chuẩn bị, sẵn sàng, chủ động có các giải pháp điều tiết, cân đối thị trường.

Hiện nay, năng lực sản xuất, dự trữ và cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp thành phố rất mạnh, nguồn hàng dồi dào, phong phú, hệ thống phân phối đa dạng, rộng khắp, năng lực logistics mạnh, cộng thêm các phương thức kinh doanh trực tuyến phát triển rất nhanh giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận nhanh chóng và trực tiếp tới nhà sản xuất.

Mặt khác, thành phố còn có lực lượng doanh nghiệp bình ổn thị trường mạnh, nhiều kinh nghiệm; có mạng lưới cửa hàng bình ổn rộng khắp; các sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức thường xuyên nắm chắc diễn biến thị trường, kịp thời can thiệp khi có dấu hiệu biến động.

 Người dân mua sắm tại siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HOÀNG VIỆT

Một giải pháp được TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh trước thời điểm tăng lương cơ sở là chú trọng tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung. Đây là chương trình mang tính sáng tạo, đã phát huy hiệu quả trong năm 2023 giúp bình ổn thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát.

Chương trình thu hút nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng như: Saigon Co.op, Satra, Central Retail, MM Mega Market, AEON, Fahasa; Vinamilk, Nutifood, Vissan... Các mặt hàng tham gia bình ổn đa dạng: Lương thực, thực phẩm, đồ dùng học tập, dược phẩm...

Các doanh nghiệp tham gia bình ổn cam kết phân phối với giá thấp hơn 5-10% so với các mặt hàng cùng quy cách, chủng loại. Nếu giá thị trường có biến động tăng từ 3% trở lên thì các doanh nghiệp sẽ đề nghị điều chỉnh tăng cho phù hợp, Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh sẽ xem xét điều chỉnh giá nhưng vẫn bảo đảm thấp hơn thị trường.

Cùng đồng hành, hưởng ứng Chương trình khuyến mại tập trung năm 2024, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, dịch vụ thương mại hàng đầu ở TP Hồ Chí Minh đã xây dựng các chương trình khuyến mại quy mô, tạo những mũi nhọn phủ khắp thị trường thành phố và nhiều địa phương trong nước. 

Điển hình như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) tổ chức chương trình khuyến mại ở hầu hết ngành hàng hoặc tập trung ưu đãi theo xu hướng tiêu dùng của thị trường, như: Chương trình “Đi chợ đồng giá”, có các mặt hàng tươi sống cho bữa ăn hằng ngày như rau, thủy-hải sản, trái cây...;

Chương trình “Mỗi tuần một lễ hội nhà mình vui sắm” có nhiều ưu đãi hấp dẫn cho người tiêu dùng. Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu ban quản lý các chợ truyền thống, chợ đầu mối trên địa bàn tăng cường quản lý giá cả, chất lượng hàng hóa; cân, đong hàng, niêm yết giá trong phạm vi quản lý.

Thực hiện chỉ đạo trên, nhiều chợ truyền thống đã triển khai niêm yết giá bán công khai, cạnh tranh lành mạnh, bình ổn thị trường trước kỳ tăng lương. Việc niêm yết giá cũng sẽ giúp các cơ quan chức năng quản lý giá hiệu quả hơn để kích cầu mua sắm.

Các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc tăng giá bất hợp lý để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo Minh Ngân/QĐND.vn

Link bài gốc

Xem thêm phản hồi...