/

Cần phân luồng học sinh khoa học hơn

08:33 28/04/2024
27 lượt xem

Tại một số địa phương, nhất là ở các thành phố lớn, cuộc thi vào lớp 10 THPT công lập thậm chí còn áp lực hơn cả kỳ thi đại học. Để giảm tải sức nóng của kỳ thi, chủ trương phân luồng hướng nghiệp học sinh sau THCS được nhiều trường triển khai. Tuy nhiên, mục tiêu này gần như vẫn khó thực hiện.

Nỗ lực giảm áp lực kỳ thi

Sức ép của kỳ thi lớp 10 THPT đã cận kề, bởi mạng lưới trường công lập chỉ đáp ứng khoảng 60% số học sinh dự thi. Trong khi tâm lý chung của phụ huynh và lãnh đạo các trường THCS là mong muốn học sinh trúng tuyển trường công lập.

Đồng hành với con những ngày này, chị Phan Thị Hường có con học lớp 9, Trường THCS thị trấn Thanh Ba I (Phú Thọ) thấu hiểu cảm giác căng thẳng ấy. Thay vì áp đặt, chị đã cùng con xem xét thêm nhiều phương án tuyển sinh khác như học nghề. 

Thời điểm này, nhiều trường THCS đã chủ động thực hiện công tác tư vấn phân luồng hướng nghiệp. Phân luồng học sinh sau THCS là định hướng phân bổ tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS hướng đi vào các luồng để tiếp tục học tập theo những chương trình giáo dục khác nhau hoặc tham gia vào thị trường lao động, tùy thuộc vào năng lực, sở trường, nguyện vọng của học sinh và điều kiện thực tế, nhu cầu nhân lực của xã hội. Đây là giải pháp tích cực góp phần điều chỉnh cơ cấu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đồng thời giúp giảm tải sức nóng kỳ thi vào lớp 10. Bà Phạm Thị Thắng, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Thanh Ba I, cho hay: “Thời điểm này, ngoài tăng tốc ôn tập thi lớp 10, nhà trường cũng chủ động làm công tác tư vấn hướng nghiệp để thí sinh có thêm cái nhìn tổng thể khi các em lựa chọn ngành nghề”.

Sinh viên học nghề tại Trường Cao đẳng FPT Polytechnic tham gia các cuộc thi tay nghề

Phối hợp cùng các trường THCS để làm công tác tư vấn ngay từ ban đầu, ông Nguyễn Ngọc Quyết, cán bộ tư vấn tuyển sinh, Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ cho biết, việc triển khai nhiều giải pháp nhằm phân luồng, định hướng sớm cho học sinh về nghề nghiệp, việc làm và giới thiệu các chương trình học nghề phù hợp đã phần nào thay đổi quan điểm của học sinh, phụ huynh về học nghề sau tốt nghiệp THCS.

Mô hình sau trung học cơ sở còn đơn điệu

Có thể thấy, sau lớp 9, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề đang rộng mở với các em. Tuy nhiên, không nhiều học sinh và phụ huynh mặn mà với giải pháp phân luồng hiện nay. Lý giải về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển nhanh chóng, công tác phân luồng cần có những điều chỉnh linh hoạt, khoa học hơn. Người lao động tương lai rất cần nền tảng văn hóa THPT để không chỉ học suốt đời mà còn đáp ứng yêu cầu kỹ năng của nền kinh tế số. Do đó, không nên dựa vào tỷ lệ phân luồng để "ép" học sinh THCS chọn học nghề. Chỉ nên phân luồng những người không thể học được ở bậc THPT do sức khỏe, điều kiện kinh tế hoặc không muốn học... Nên tạo điều kiện tối đa để các em được tiếp tục học lớp 10.

Thực tế cho thấy, tại tỉnh Vĩnh Long có ít cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp nên việc bảo đảm chỉ tiêu số lượng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ học sinh tiếp tục học nghề thấp, chỉ đạt dưới 10%. Tại buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Vĩnh Long hôm 25-4 vừa qua, PGS, TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) đã tiếp thu ý kiến phản hồi kết quả thực hiện các nhiệm vụ của Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025". Theo đó, phần lớn học sinh tốt nghiệp THCS vẫn tập trung vào học các trường THPT, sau đó vào đại học, cao đẳng; một số học sinh không học lên THPT, cao đẳng, đại học thì có xu hướng rời địa phương đi làm ăn xa chứ không theo học tiếp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Về chính sách phân luồng tại các quốc gia phát triển trên thế giới, học sinh sau THCS có nhiều con đường học tập nhờ đa dạng hóa mô hình trường trung học. Đều là trường trung học, nhưng học sinh có thể học THPT bình thường, trung học nghề, trung học kỹ thuật, trường bán công... Còn ở Việt Nam, sau lớp 9 chỉ có hai mô hình là THPT và trung cấp nghề nên không hấp dẫn người học. Việc phân biệt hai loại văn bằng (THPT và trung cấp nghề) để tuyển vào đại học và tuyển dụng, thăng tiến trong sự nghiệp khiến người học gặp nhiều cản trở.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) nhận định, nếu cả THPT và trung cấp nghề đều được gọi là tốt nghiệp trình độ trung học như thực tế trên thế giới, việc phân luồng sẽ dễ dàng hơn. Để thúc đẩy sự phân luồng, ngành giáo dục cần phải mạnh mẽ và đa dạng hóa các trường trung học để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. TS Hoàng Ngọc Vinh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tư vấn định hướng học nghề một cách chính xác dựa trên khả năng, năng lực của học sinh, đánh giá thông qua các bài trắc nghiệm tin cậy và quá trình học tập. Các trường không thể tư vấn nghề nghiệp chính xác nếu chỉ dựa trên thành tích học tập vốn nặng tính hàn lâm.

Sinh viên được trang bị kỹ năng nghề tại Trường Cao đẳng FPT Polytechnic. 

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) nhận định, nếu cả THPT và trung cấp nghề đều được gọi là tốt nghiệp trình độ trung học như thực tế trên thế giới, việc phân luồng sẽ dễ dàng hơn. Để thúc đẩy sự phân luồng, ngành giáo dục cần phải mạnh mẽ và đa dạng hóa các trường trung học để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. TS Hoàng Ngọc Vinh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tư vấn định hướng học nghề một cách chính xác dựa trên khả năng, năng lực của học sinh, đánh giá thông qua các bài trắc nghiệm tin cậy và quá trình học tập. Các trường không thể tư vấn nghề nghiệp chính xác nếu chỉ dựa trên thành tích học tập vốn nặng tính hàn lâm.

Theo TS Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), việc định hướng và phân luồng cho học sinh lớp 9 rất quan trọng. Tuy nhiên, cách làm ở nhiều nơi lại gây phản cảm. Do lo ngại việc học sinh không đỗ vào trường THPT công lập, nhiều học sinh có sức học trung bình ở lớp 8 và 9 đã được giáo viên “khuyên” không nên thi vào lớp 10, mà nên chọn học nghề hoặc các lựa chọn khác. Hơn nữa, sợ ảnh hưởng đến thành tích của trường, có nơi hứa sẽ cải thiện điểm học bạ nếu học sinh không tham gia kỳ thi vào lớp 10. Điều này đã tước đi quyền lựa chọn và thi cử của học sinh, gây bức xúc cho phụ huynh và cộng đồng.

Các chuyên gia đề xuất cần điều chỉnh những hạn chế về quy mô trường THPT công lập và hỗ trợ học sinh vào trường ngoài công lập để có nguồn nhân lực trình độ cao trong tương lai. Đồng thời, cần xây thêm nhiều trường THPT công lập ở khu vực còn thiếu hụt, tăng cường đội ngũ giáo viên chất lượng, lập kế hoạch cụ thể cho việc phân luồng, tư vấn nghề nghiệp chất lượng cho học sinh lớp 8 và 9, giúp các em có lựa chọn phù hợp cho tương lai./.

Theo Mai Hà/QĐND.vn

Link bài gốc

Xem thêm phản hồi...