/

Hội nghị trực tuyến ứng phó với bão số 6

10:34 27/10/2024
19 lượt xem

Sáng nay (27/10) , Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với 8 địa phương từ Hà Tĩnh đến Kon Tum về công tác ứng phó bão số 6. Tham dự có đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 7h hôm nay, bão số 6 cách Đà Nẵng khoảng 95km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 12. Trong 3h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15km/h. 

Dự báo 24h tiếp theo bão đi theo hướng Tây Nam sau chuyển Đông Nam, tốc độ 10-15km/h, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên vùng biển ven bờ Trung Trung Bộ. Từ sáng sớm hôm nay đến đêm 28/10, khu vực Hà Tĩnh có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100 - 200mm, phía Nam có nơi trên 250mm. Trên đất liền có gió cấp 4, cấp 5, ven biển cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8.

Tại cuộc họp, các đơn vị, địa phương đã báo cáo cụ thể về diễn biến, dự báo về mức độ ảnh hưởng và công tác ứng phó với bão số 6.

Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tưởng Chính Phủ Trần Hồng Hà đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng Thuỷ văn các địa phương tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 6, cập nhật kịp thời hướng đi, mức độ ảnh hưởng để thông tin đến người dân chủ động phòng chống. (Ảnh chụp qua màn hình trực tuyến)

Các địa phương quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu, thuyền, không cho tàu thuyền ra khơi khi còn có bão; hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại các khu neo đậu để đảm bảo an toàn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.

 Đối với các địa phương ở vùng núi, lượng mưa lớn kéo dài, nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất chủ động các phương án sơ tán, thông báo cho người dân chủ động, phòng tránh có hiệu quả. Các đơn vị quản lý hồ, đập, thuỷ điện nắm chắc thông tin thời tiết, chủ động điều tiết nước phù hợp nhằm đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.

Đặc biệt, sau bão tập trung dự báo về diễn biến hoàn lưu bão, tránh trường hợp chủ quan, bị động nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra...

Theo Thanh Quý – Hà Phương/HTTV

Xem thêm phản hồi...