Lừa đảo xuất khẩu lao động: Người lao động mất hàng trăm triệu dồng
Nhiều người lao động ở Quảng Bình đã lên tiếng tố cáo việc bị lừa đảo xuất khẩu lao động sang New Zealand
Hình ảnh minh hoạ
Theo các nạn nhân, họ đã phải nộp hàng trăm triệu đồng, thậm chí có người mất đến 553 triệu đồng, nhưng sau nhiều tháng vẫn không thể xuất cảnh, và số tiền cũng chưa được hoàn lại.
Ông Nguyễn Duy Hà, một trong các nạn nhân, đã phải vay mượn người thân và ngân hàng để có đủ 553 triệu đồng nộp cho Công ty HTP, mong có cơ hội làm việc ở New Zealand. Tuy nhiên, sau nhiều lần hứa hẹn, công ty này vẫn không thực hiện cam kết và cố tình trì hoãn thủ tục xuất cảnh.
Khi ông Hà và nhiều người khác đến đòi lại tiền, giám đốc công ty là bà Chung Thị Hoa không những từ chối hoàn trả mà còn thách thức họ.
Tương tự, bà Đoàn Thị Mỹ Ngọc cùng 11 lao động khác cũng bị công ty này lừa với số tiền cọc 287 triệu đồng. Dù đã nhiều lần yêu cầu hoàn trả nhưng chỉ nhận lại được 50 triệu đồng. Số tiền 237 triệu đồng còn lại vẫn chưa có dấu hiệu được trả, gây áp lực nặng nề lên cuộc sống của bà và gia đình.
Trong một trường hợp khác, ông Lê Văn Hùng ở Hải Dương đã thay mặt 14 người lao động nộp tổng cộng hơn 1,4 tỷ đồng cho Công ty HTP, nhưng sau khi nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, ông đã nộp đơn tố giác đến cơ quan công an.
Làm thế nào để tránh trở thành nạn nhân?
Trước những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, người lao động có nhu cầu xuất khẩu lao động cần thực hiện các biện pháp sau để bảo vệ bản thân:
Xác minh giấy phép hoạt động của công ty: Chỉ giao dịch với các công ty có giấy phép đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động có thể kiểm tra danh sách các công ty được cấp phép tại website của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn).
Không tin vào quảng cáo trên mạng xã hội: Các trang mạng như Facebook, Zalo là nơi dễ dàng phát tán thông tin không chính thống. Người lao động cần cẩn trọng với các lời mời hứa hẹn công việc ở nước ngoài và nên tránh xa các tổ chức không có địa chỉ và thông tin rõ ràng.
Nắm rõ quy trình và chi phí: Người lao động nên yêu cầu công ty cung cấp thông tin chi tiết về chi phí hợp đồng, các khoản phải nộp và những điều kiện tuyển dụng. Tránh đặt cọc hoặc thanh toán trước khi có đủ thông tin về đơn hàng.
Liên hệ với cơ quan chức năng khi nghi ngờ: Khi có dấu hiệu nghi ngờ lừa đảo, người lao động cần liên hệ ngay với các cơ quan chức năng như Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc công an địa phương để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
PV ( Tổng hợp)