/

Vùng biên ngày mới

14:12 31/10/2024
64 lượt xem

Việc dạy chữ nơi vùng cao xa xôi không đơn thuần là việc dạy chữ mà đó là cả hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ của các giáo viên cắm bản. Như tại những điểm trường ở địa bàn miền núi, biên giới của huyện Hương Khê, nhiều thầy, các cô vẫn đang lặng thầm vượt lên những khó khăn, thiếu thốn, bám trường, bám lớp, quyết tâm gieo mầm kiến thức, nâng cánh ước mơ cho các em học sinh thân yêu.

Hơn 20 cây số, là quãng đường mà thầy giáo Trần Đình Chung vẫn đều đặn mỗi ngày vượt qua để đến với các em học sinh ở điểm Phú Lâm thuộc trường Tiểu học Phú Gia. Đây cũng là một trong những điểm trường xa nhất của huyện Hương Khê.

 

Lớp học của thầy giáo Trần Đình Chung, Điểm Phú Lâm, Trường Tiểu học Phú Gia 

Một buổi học ở lớp ghép 4- 5 do thầy Chung chủ nhiệm. Một mình thầy cứ tất bật như con thoi, hết hướng dẫn môn Toán cho học sinh lớp lớn, lại quay sang giảng bài Tiếng Việt cho lớp nhỏ. Khó khăn là vậy nhưng niềm vui, niềm háo hức mỗi ngày đến trường vẫn luôn đong đầy trong ánh mắt học trò. Bởi vậy mà dù đã hơn 5 năm cắm bản, thầy giáo Trần Đình Chung vẫn tình nguyện tiếp tục gắn bó với điểm trường nơi đây.

 

Cô Hoàng Thị Hương Điểm trường dân tộc Chứt- Bản Rào Tre, Trường Mầm non Hương Liên

Không chỉ ở bậc tiểu học mà việc dạy lớp ghép của trẻ ở lứa tuổi mầm non, những giáo viên cắm bản cũng gặp bộn bề khó khăn. Với gần 24 năm làm giáo viên cắm bản tại điểm trường dân tộc Chứt- Bản Rào Tre, thuộc trường mầm non Hương Liên, cô Hoàng Thị Hương đã quen với việc mỗi buổi sáng đến từng nhà đón trẻ đến lớp. Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động học tập, các cô còn phải đảm đương, quán xuyến cả việc quản lý, chăm sóc, chuẩn bị từng bữa ăn, giấc ngủ cho trẻ. Gian nan là vậy nhờ sự tận tâm, trách nhiệm của các cô mà giờ đây, tỷ lệ huy động trẻ từ 2- 5 tuổi đến lớp trên địa bàn đã đạt 100%.

Các em học sinh vui múa hát trên sân trường 

Được sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp, các ngành, sự đồng hành của lực lượng Bộ đội biên phòng và sự đầu tư từ nguồn xã hội hóa, những điểm trường lẻ ở địa bàn miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa đang từng ngày thay da đổi thịt, với những công trình được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố, đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Qua đó, không chỉ nhân lên niềm vui đến trường mà còn mở ra cơ hội cho con trẻ nơi đây được phát triển 1 cách toàn diện.

Theo Thu Hoài, Từ Hải, Lê Vinh/HTTV

Xem thêm phản hồi...