/

“Định lượng” trong thi đua

16:11 14/08/2024
42 lượt xem

Vừa qua, tại phiên họp lần thứ 8 của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng (TĐKT) Trung ương, nhiệm kỳ 2021-2026, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rút ra 5 bài học kinh nghiệm trong công tác TĐKT. Trong đó, kinh nghiệm khi giao nhiệm vụ phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ sản phẩm để khi đánh giá, khen thưởng dễ dàng, chính xác, khách quan; khen thưởng phải đúng, trúng, kịp thời, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lợi ích nhóm... đặt ra yêu cầu cho từng cơ quan, đơn vị cần phải “định lượng” trong thi đua.

Trong thời gian qua, phong trào thi đua yêu nước trở thành sợi dây gắn kết các thành phần xã hội, tạo động lực cho sự phát triển của đất nước; uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng lên. 

Nhưng nhìn thẳng vào thực tiễn thì công tác TĐKT vẫn còn bộc lộ những hạn chế, đó là tình trạng: Bệnh hình thức trong thi đua; bệnh “bình quân chủ nghĩa”, đánh giá, bình xét "định tính" dẫn đến khen chưa đúng người, đúng việc, thiếu minh bạch... làm triệt tiêu động lực thi đua trong từng cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên.

Khắc phục tình trạng này, vấn đề căn cốt là phải “định lượng” trong thi đua làm sao “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ sản phẩm”.

Một trong những phương pháp hiệu quả được một số cơ quan, đơn vị áp dụng là bình xét thi đua theo tuần, theo tháng, từ đó “tích lũy” điểm thi đua, làm căn cứ xét thi đua cuối năm, rõ ràng, minh bạch.

Để minh bạch và rõ ràng hơn nữa, Hội đồng TĐKT Trung ương và ở mỗi cấp nên coi trọng việc nghiên cứu để “số hóa” hồ sơ khen thưởng của từng tổ chức, cá nhân; xây dựng quy chế “thưởng”, “phạt” điểm thi đua bằng phần mềm.

Từ đó, định lượng rõ ràng những “ưu, khuyết điểm” của từng cán bộ, đảng viên. Đổi mới phương pháp đánh giá thi đua ở từng cấp theo hướng độc lập, dựa trên những công trình, sản phẩm, đề tài được công bố, đem lại giá trị thiết thực cho cộng đồng, cho sự phát triển của đất nước; hạn chế dần phương thức "muốn khen" thì phải báo cáo chi tiết gửi qua các cấp xét duyệt.

Mặt khác, từng cấp ủy, tổ chức đảng, đặc biệt là Chủ tịch Hội đồng TĐKT ở từng cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt phương châm “dưới xét kỹ, trên tỏ tường”.

Trong đó, từng cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên khi tham gia đánh giá, bình xét danh hiệu TĐKT cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực sự công tâm, khách quan vì lợi ích chung của tập thể, dựa vào tiêu chuẩn cụ thể, tôn trọng nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch.

Cấp trên phải “tỏ tường” cấp dưới, để xem xét kỹ, tránh tình trạng “điển hình bị lãng quên” do lợi ích nhóm, cục bộ, bè phái chi phối. Song song với đẩy mạnh các phong trào thi đua phải gắn liền với khen thưởng.

Khen thưởng đúng, trúng, kịp thời, công khai, minh bạch sẽ "kích thích", tạo đà để phong trào thi đua phát triển và ngược lại.

Làm tốt những việc trên góp phần thúc đẩy phong trào thi đua phát triển thực chất, hiệu quả.

Nếu không “định lượng” trong thi đua thì việc bình xét thi đua dễ rơi vào cảm tính, thiếu khách quan. Hậu quả là “ngọn lửa” thi đua sẽ “tắt ngay” trong lòng mỗi cán bộ, đảng viên; phong trào thi đua rơi vào hình thức, thiếu sức sống.

Theo Duy Thành/QĐND.vn

Link bài gốc

Xem thêm phản hồi...