/

"Lề trái" trong xử lý công việc

14:50 20/12/2023
61 lượt xem

Vào bệnh viện khám chữa bệnh, trước hết phải tìm cách “gửi gắm” bác sỹ… Bị CSGT xử phạt thì rút máy gọi điện người thân nhờ can thiệp… Rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện nhờ vả xin xỏ như vậy đang diễn ra thường ngày, phá vỡ sự nghiêm minh trong thực thi công vụ.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Mỗi ngày đón tiếp hàng ngàn lượt bệnh nhân tới thăm khám và điều trị. Để nâng cao hiệu quả phục vụ, Bệnh viện đã triển khai quy trình khám hệ thống hàng đợi, đồng thời ưu tiên khám sớm cho các đối tượng như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai… Khi bệnh nhân vào điều trị các khoa phòng, được chăm sóc đối xử bình đẳng như nhau. Thế nhưng bất chấp điều đó, rất nhiều người vẫn cứ gọi điện, nhờ vả người quen đặt vấn đề cậy nhờ, gửi gắm. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý và tiến độ công việc của y bác sỹ.

Bệnh nhân làm thủ tục khám bệnh tại Bệnh viện (Ảnh minh họa)

Còn những hình ảnh thường thấy khi một ai đó bị Cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ hành chính, hoặc lập biên bản xử phạt. Sau những phân bua giải thích là bấm điện thoại cầu cứu người quen.

Rất nhiều người vi phạm, trước khi đồng ý ký vào biên bản đã hành động như vậy, với hi vọng sẽ được bỏ qua lỗi vi phạm, không phải nộp phạt, hoặc nạp ở mức nhẹ nhất. Điều này gây ra rất nhiều áp lực, phiền toái cho lực lượng chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Trong thực tế, có vô số sự nhờ vả, xin xỏ cửa sau cửa trước, vận dụng các mối quan hệ quen thân để xử lý công việc thay vì đặt niềm tin vào cơ quan công quyền. Dường như cách ứng xử này đã trở thành một phản xạ tự nhiên của rất nhiều người. Họ mặc nhiên chấp nhận mà không hề thấy sự bất ổn trong đó.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nông độ cồn (Ảnh minh họa)

Thay vì xử lý công việc một cách công khai minh bạch dựa trên pháp luật và các quy định, quy chế, thông qua cơ quan công quyền thì rất nhiều người lại thích cậy nhờ theo kiểu “nhất thân, nhì quen”. Theo lý giải của các chuyên gia thì do bản tính trọng tình, thậm chí tâm lý thích trở thành người quan trọng, thích được thể hiện đẳng cấp, “phô trương” mối quan hệ đến từ người nhờ vả và cả những được “nhờ vả” đã dẫn tới những cách hành xử tùy tiện như vậy.

Những sự sẵn sàng giúp đỡ đến từ món nợ ân tình hay ràng buộc về lợi ích cứ thế chi phối các quyết định, phá vỡ nguyên tắc thượng tôn pháp luật trong các mối quan hệ. Bản thân người được cậy nhờ ngoài việc thể hiện quyền lực, còn có thể là cách để thu vén lợi ích, củng cố tình cảm cá nhân. Người thực thi nhiệm vụ trong nhiều trường hợp khó lòng từ chối những sự “gửi gắm”, can thiệp bởi tâm lý nể nang, và rất có thể là vì thiếu tự tin trong thực hiện chức trách, bổn phận. Bên cạnh đó cũng phải thừa nhận rằng: những sự thiếu rõ ràng về mặt pháp luật, sự thiếu minh bạch trong thực thi công vụ, sự rắc rối về mặt thủ tục hành chính cũng đã thúc đẩy tâm lý cậy nhờ trong xử lý công việc.

Để hạn chế những sự can thiệp, nhờ vả thì các chủ thể liên đới phải tự mình thay đổi. Trước hết, người thi hành công vụ phải công minh, liêm chính, làm tròn chức trách bổn phận được giao. Người sai phạm hoặc người cần nhờ vả phải biết tự trọng và sỹ diện để ngẩng cao đầu trước mọi sự việc. Thực tế trong quan hệ xã hội, việc chia sẻ, giúp đỡ nhau khi khó khăn là rất nên làm nhưng phải trong phạm vi cho phép và không để phương hại đến người khác cũng như không phá vỡ nguyên tắc cộng đồng hay vi phạm pháp pháp luật.

Liều thuốc để chữa căn bệnh nhờ vả, xin xỏ phải là cơ chế công khai, minh bạch và sự nghiêm minh của pháp luật. Mọi người dân đều phải tôn trọng luật pháp. Nếu mỗi người tiếp tục tự mình buông lỏng, các cơ chế kiểm soát quyền lực, giám sát công việc không được hoàn tiện, thì tâm lý cậy nhờ, xin xỏ trong thực thi công vụ sẽ tiếp tục gieo rắc mầm mống độc hại, chống lại mọi nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Theo Thục Anh/HTTV

Xem thêm phản hồi...