Đừng “tham bát bỏ mâm”!
Những ngày đầu năm mới Ất Tỵ 2025, thông tin về tình trạng “chặt chém” khách hàng tại một số dịch vụ ăn uống, vận tải, du lịch... gây bức xúc dư luận.
Từ chuyện 3 tô bún giá 1,2 triệu đồng, đĩa rau muống xào giá 500 nghìn đồng... đến xe khách giường nằm nhồi nhét thêm hàng chục người... cho thấy, kiểu làm ăn chụp giật vẫn diễn ra nhức nhối.
Việc “chặt chém” khách hàng vào các dịp lễ, Tết không còn là chuyện lạ. Có những thời điểm nó trở thành vấn nạn, ảnh hưởng xấu đến môi trường văn hóa, du lịch, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt du khách quốc tế, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.
Mặc dù các chế tài xử lý ngày càng mang tính răn đe cao hơn, nhất là các lỗi vi phạm trong vận tải hành khách, dư luận cũng mạnh mẽ lên án, nhưng vì lòng tham nên nhiều người vẫn bất chấp, liều lĩnh vi phạm.
![]() |
Ảnh minh họa: tuoitre.vn |
Hành vi “chặt chém” này là kiểu làm ăn “tham bát bỏ mâm”. Hậu quả nhãn tiền là chủ cơ sở bị phạt nặng, tạm đình chỉ hoạt động, mất uy tín. Sự lan tỏa thông tin nhanh chóng của không gian mạng khiến nhiều cơ sở kinh doanh có nguy cơ tiêu tan sự nghiệp.
Để làm trong sạch, lành mạnh hóa môi trường du lịch, thương mại, xây dựng văn hóa ứng xử văn minh trong kinh doanh, việc gia tăng các chế tài xử lý vi phạm là rất cần thiết.
Nghị định 168 đã thể hiện hiệu quả tính răn đe, phòng ngừa vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Cần tiếp tục có hình thức, mức độ tương tự trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí để ngăn chặn hiệu quả hành vi “chặt chém” khách hàng.
Trong không gian mạng, sức mạnh từ phản ứng xã hội rất khủng khiếp. Những ai trót mắc lỗi cần lấy đó làm bài học cốt tử. Những ai nuôi lòng tham, nhìn vào đó mà điều chỉnh hành vi, duy trì văn hóa, đạo đức kinh doanh.
Theo Thanh Kim Tùng/QDND.VN