/

Gánh nặng giấy chuyển viện

14:33 20/12/2023
58 lượt xem

Trong rất nhiều áp lực của bác sỹ, có một thứ áp lực gây nên rất nhiều sự khó xử, đó là áp lực đến từ các đề nghị chuyển tuyến. Nếu không giải quyết thì sẽ ngăn cản quyền tự do lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh của người dân, còn nếu giải quyết thì sẽ phá vỡ sự cân bằng trong hệ thống thanh toán Bảo hiểm y tế và gây quá tải cho Bệnh viện tuyến trên.

Khoa Tim mạch Lão học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Trung bình mỗi ngày bác sỹ trưởng khoa tiếp nhận trên dưới 5 đề xuất xin được chuyển lên tuyến trung ương. Với những ca bệnh cấp cứu, hoặc ca bệnh khó, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân không đề xuất, khoa cũng sẽ phải giới thiệu chuyển.

Thế nhưng ngay đến với cả những căn bệnh thuộc nhóm mãn tính, buộc phải điều trị thường xuyên và cần được theo dõi, quản lý lâu dài như tăng huyết áp, suy tim thì nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng nằng nặc xin chuyển tuyến.

Viện đến các mối quan hệ để nhờ vả, xin xỏ bác sỹ cho chuyển tuyến là chuyện thường ngày tại nhiều khoa phòng ở các Bệnh viện Đa khoa tuyến dưới. Nhiều người thậm chí còn sẵn sàng gây áp lực cho bác sỹ bằng cách sử dụng những từ ngữ khó nghe, yêu cầu bác sỹ phải chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự cố nếu không cho chuyển tuyến.

Dù cố gắng giải thích, thuyết phục nhưng trong thâm tâm của mỗi bác sỹ vẫn cảm thấy một điều gì đó bất ổn. Bất ổn đến từ việc hạn chế quyền tự do lựa chọn khám chữa bệnh của người dân và bất ổn ngay trong việc tự tin cam kết điều trị tại chỗ.

Tờ giấy chuyển viện từ chỗ chỉ là một tờ giấy ghi nhận các thông tin, chỉ số chuyên môn về tình trạng bệnh để nơi tiếp nhận nhận bệnh nhân biết và ứng phó, thì nay còn là một chốt chặn trong công tác quản lý khám chữa bệnh.

Nếu bác sỹ dễ dãi cho chuyển tuyến thì vô hình đã tự chuyển luôn quyền lợi thanh toán Bảo hiểm y tế của đơn vị mình sang đơn vị khác. Và điều quan trọng hơn là sẽ gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, phá vỡ sự cân bằng trong hệ thống khám chữa bệnh và thanh toán khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm y tế.

Tự mình đổi mới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thay đổi thái độ phục vụ là một yêu cầu đặt ra thường xuyên cho Bệnh viện tuyến dưới để thuyết phục bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhất là trong điều kiện đẩy mạnh tự chủ. Nhưng nỗ lực đổi mới cũng rất cần đến sự đồng hành từ các cơ chế chính sách. Hiện nay ngoài niềm tin về chuyên môn, thì rất nhiều bệnh nhân muốn chuyển lên tuyến trên là để được thanh toán bảo hiểm y tế cho các loại thuốc đắt tiền hơn, các xét nghiệm phức tạp hơn.

Đơn cử, cũng điều trị bệnh suy tim, mức chi trả bảo hiểm y tế ở Bệnh viện tỉnh không vượt quá 500.000 đồng 1 bệnh án. Trong khi ở tuyến trên có thể lên đến 2 hoặc 3 triệu đồng. Cũng là bệnh tăng huyết áp, nếu chữa ở tuyến dưới thì chỉ được thuốc hạ áp cổ điển, còn lên tuyến trên hoặc lên hẳn trung ương sẽ được thuốc mới nhất. 

 Tổng kết của Bảo hiểm xã hội năm 2022 cho thấy: trung bình Bảo hiểm y tế chi cho một lần khám ngoại trú tuyến trung ương là 1,4 triệu đồng, tuyến tỉnh là 533 nghìn, tuyến huyện là 238 nghìn, tuyến xã là 84 nghìn đồng.

Một đợt điều trị nội trú ở tuyến trung ương được chi trả 11 triệu đồng, tuyến tỉnh là 5 triệu, tuyến huyện là 2,2 triệu. Như vậy càng lên tuyến trên càng được chi trả rộng rãi theo kiểu hình tháp ngược, và do vậy càng kích thích người dân xin chuyển tuyến. Điều đó đã tạo áp lực cho các bác sỹ trong việc quản lý chốt chặn chuyển tuyến.

Cũng phải thừa nhận rằng: càng lên tuyến trên thì bệnh càng nặng, nên chi phí càng phải cao. Tuy nhiên cách chi trả bảo hiểm y tế theo kiểu hình tháp ngược lại cũng đang làm teo tóp y tế tuyến dưới. Nhiều chuyên gia cho rằng: để thúc đẩy tuyến dưới, cần chi trả ít ra là theo hình trụ.

Tức là cùng một loại bệnh thì chi trả ở các tuyến như nhau, ai muốn thuốc mới, thuốc ngoại nhập thì tự bỏ tiền mua. Cách này sẽ hạn chế được những bệnh thông thường lên tuyến trên. Tuyến trung ương chỉ còn ca khó, bệnh nặng và được chi trả tương xứng.

Có một thực tế hiện nay, đó là chi phí "vô hình" mà người bệnh phải tự trả cho mỗi đợt khám chữa bệnh là hơn 40% tổng chi phí. Và cũng có một thực tế là phần đông những người ra đến bệnh viện trung ương thường là những người khá giả.

Còn người nghèo họ chỉ chuyển lên Bệnh viện Trung ương khi thực sự không còn cách nào khác, bởi không thể kham nổi các chi phí "vô hình". Chi trả Bảo hiểm y tế cao hơn cho tuyến trên hiểu trong mối quan hệ này còn là một sự không công bằng cho người nghèo./.

PV/HTTV

Xem thêm phản hồi...