/

Còn tình trạng thành viên CLB chưa am hiểu nhiều về Dân ca, Ví - Giặm

08:40 24/01/2021
370 lượt xem

Đây là thực trạng được Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh chỉ ra khi khảo sát việc thực hiện Nghị quyết 93/2018/NQ-HĐND về bảo tồn và phát huy giá trị các Di sản văn hóa Dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản trường học Phúc Giang và Hoàng hoa sứ trình đồ trên địa bàn huyện Can Lộc.

Huyện Can Lộc có 88 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó có 18 di tích cấp quốc gia, 70 di tích cấp tỉnh, 2 di sản Mộc bản trường học Phúc Giang và Hoàng hoa sứ trình đồ được UNESCO công nhận là di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Toàn huyện có 10/18 xã, thị trấn có quyết định thành lập, ban hành quy chế hoạt động CLB Dân ca Ví, Giặm; 197/197 thôn, tổ dân phố có CLB văn nghệ, Dân ca Ví - Giặm.

Thực hiện Nghị quyết 93/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, hằng năm, UBND huyện Can Lộc chỉ đạo, hướng dẫn các CLB trên địa bàn kiện toàn, thành lập mới, hỗ trợ kinh phí để thành lập và hoạt động.

Đoàn khảo sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khẳng định địa phương đã cơ bản thực hiện nghiêm túc các quy định và hướng dẫn của Nghị quyết 93/2018/NQ-HĐND. Tuy vậy vẫn còn một số tồn tại như: Một số thành viên CLB Dân ca, Ví - Giặm chưa am hiểu nhiều về dân ca, chưa biết nhiều các làn điệu, chưa thuộc nhiều bài lời cổ. Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ hiện tại chưa có nhà trưng bày, bảo quản...

Đoàn khảo sát đề nghị huyện Can Lộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để khơi dậy nhận thức của giới trẻ về hát ví Phường vải, Ca trù; tiếp tục phối hợp với sở VHTT&DL đào tạo, tập huấn để các thành viên các CLB nâng cao hiểu biết về dân ca. Ngoài ra, huyện cần quan tâm xây dựng CLB ca trù và trò Kiều trong trường học; sớm hoàn thiện hạ tầng Trung tâm văn hóa Trường Lưu…/.

                              CTV Quốc Huy/HTTV

Xem thêm phản hồi...