Nhạc sĩ Lê Hàm, tác giả nhạc phẩm "Gái sông La" qua đời
Nhạc sĩ Lê Hàm - tác giả của chùm ba tác phẩm nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022 gồm Người mẹ Làng Sen, Gái sông La, Việt Nam trong trái tim ta - vừa qua đời tối 18-9 tại TP Vinh, Nghệ An, hưởng thọ 90 tuổi.
Nhạc sĩ Lê Hàm - Ảnh: FBNV
Ông ra đi để lại muôn vàn sự tiếc thương cho gia đình, người thân, và người yêu âm nhạc
Nhạc sĩ Lê Hàm sinh năm 1934, tại xã Diễn Hồng (Diễn Châu), thuở nhỏ ông đã có mối lương duyên đặc biệt với âm nhạc khi tự chế tác cây sáo tiêu từ cuống lá đu đủ để thổi nên những giai điệu từ lời ru ầu ơ của mẹ. Sau này đến những năm 1948 - 1951, ông mới được học nhạc bài bản. Với năng khiếu nổi trội là sáo, ông quyết tâm theo đuổi con đường âm nhạc và trở thành văn công của Sư đoàn 320.
Nhạc sĩ Lê Hàm cùng PGSTS- Ns Đỗ Hồng Quân, NS Ngọc Thịnh và NS Lê Hồng Kỳ (Con trai NS Lê Hàm)
Những năm 1955 - 1961, ông theo học tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Sau khi ra trường, ông được cử vào giới tuyến Vĩnh Linh phục vụ cho chiến sĩ ta ở bờ Bắc sông Bến Hải.
Đến năm 1964, Lê Hàm được điều ra làm giáo viên giảng dạy ở Trường Nhạc họa Trung ương, nhưng liền sau đó, tỉnh Hà Tĩnh đã mời ông về làm Trưởng đoàn Chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Văn công Hà Tĩnh. Con đường âm nhạc của ông gắn với những cương vị liên quan đến môi trường nghệ thuật.
Đó cũng chính là cơ duyên, là nguồn cơn cho những sáng tác mang tính ngẫu hứng nhưng lấp lánh tín hiệu cho dặm dài rực rỡ với âm nhạc về sau.
Chính trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt, ông đã cho ra đời những ca khúc mang đậm dấu ấn với đất và người Hà Tĩnh như “Gái sông La”, “Chiến công Hà Tĩnh vẻ vang”… Sau này, năm 1964, “Gái Sông La” - một trong những ca khúc đậm chất ví, giặm, điều ít thấy, ít xuất hiện trong các chùm ca khúc của ông, đã được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam; và ”Gái sông La” chính là một trong những ca khúc trong chùm ca khúc mà ông được vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước.
Gắn bó với quê hương Hà Tĩnh ông còn cho ra đời khá nhiều ca khúc như: “Chiến công Hà Tĩnh vẻ vang”, “Em yêu Hà Tĩnh”...và sau này là: "Ta lại về Nghi Xuân", "Nhớ tiếng em ca", "Tiếng hát Hương Sơn".. Ngôn ngữ âm nhạc Lê Hàm ngọt ngào, giàu chất dân ca, gần gũi với quê hương xứ Nghệ, kết hợp hài hòa chất liệu dân gian và kỹ thuật sáng tác. Giai điệu của các ca khúc đó đến nay còn ngân vang trong lòng nhiều thế hệ
Từ 1970 đến năm 1977, ông lần lượt giữ các chức vụ: Trưởng đoàn Ca múa Hà Tĩnh, Giám đốc Nhà Văn hóa lao động tỉnh Nghệ An, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ Nghệ An. Ông nghỉ hưu vào năm 1997.
Quỳnh Sơn/HTTV