/

Các nước siết chặt quản lý livestream bán hàng

07:41 13/07/2021
759 lượt xem

Livestream bán hàng là một trong những hình thức kinh doanh vô cùng hiệu quả trong thời đại số, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi và hiệu quả, việc bán hàng qua livestream cũng đi kèm những nguy cơ về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...

Bộ Thông tin và truyền thông vừa đưa ra dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 72 siết chặt quản lý với các hoạt động livestream, kiếm tiền trên mạng xã hội. Động thái này góp phần loại bỏ bớt những kinh doanh gian dối, đảm bảo quyền lợi của khách hàng cũng nhưng những người kinh doanh trung thực.

Thực tế nhiều nước trên thế giới cũng đã có bộ quy tắc, những chính sách quản lý chặt chẽ nhằm cải cách hoạt động livestream trở nên trong sạch và bền vững hơn.

Trung Quốc hiện được xem là quốc gia tiên phong trong việc quản lý hoạt động bán hàng qua livestream. Từ ngày 25/5, hàng loạt các quy định mới bắt đầu có hiệu lực ở nước này.

 “Theo quy định mới, cả chủ livestream và người tặng quà phải cung cấp tên thật và mã thẻ tín dụng. Các chủ livestream hoạt động trên các nền tảng trực tuyến để xác minh thông tin và gửi báo cáo thường xuyên cho chính quyền địa phương. Đối với các sự kiện bán hàng lớn, cơ quan chức năng cần cử người kiểm duyệt chuyên nghiệp để đảm bảo nội dung của người bán tuân thủ các quy tắc.”

Còn nước láng giềng Hàn Quốc cũng có những quy định nghiêm với hoạt động bán hàng livestream như bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng, người xem phải đăng nhập để xem các phiên livestream, địa chỉ giao hàng và thông tin thanh toán đã được lưu trữ, không cần khai báo thêm...

Trong khi đó, Chính quyền Australia mới đây đã đề xuất luật cho phép chính quyền nước này bắt giam và phạt tù lên đến 3 năm với các nhà điều hành truyền thông nếu để các livestream có nội dung xấu xuất hiện trên nền tảng của mình. Đồng thời họ sẽ bị phạt đến 10% doanh thu nếu không kịp thời xóa các livestream rác này.

Tại Anh, người ta có thể livestream ở một nơi công cộng như công viên, vỉa hè, trên xe buýt... nhưng nếu cố tình quấy rầy hoặc xâm phạm đời tư của người khác sẽ bị xử lý theo luật "chống theo dõi".

Phó Giáo sư Wu Haifeng -  Đại học Trung Quốc Hồng Kông, Trung Quốc: “Nếu không có sự hướng dẫn, mọi người sẽ làm rất nhiều điều kỳ lạ, như bán động vật sống trên các nền tảng, truyền bá văn hóa phẩm người lớn. Mọi người sẽ suy nghĩ nghiêm túc về những việc cần làm để giúp công nghiệp mới nổi này phát triển lớn hơn.”

Nhìn chung bất kỳ vấn đề nào đều có hai mặt, livestream đem lại tác dụng lớn về kinh tế, xã hội nhưng cũng đặt ra những thách thức về pháp lý và đạo đức. Chúng ta cần nhanh chóng có những quy định, siết chặt quản lý để loại bỏ dần những mặt tiêu cực, qua đó giữ gìn môi trường lành mạnh trên mạng internet.

Theo TTXVN

 

 

 

Xem thêm phản hồi...