/

Cuộc đua “thay trời làm mưa”

09:16 02/09/2022
373 lượt xem

Biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng khắc nghiệt, UAE - quốc gia Trung Đông chỉ được hưởng lượng mưa trung bình chưa đến 100 mm/năm - đang đi đầu trong việc gieo mây để tạo ra mưa nhân tạo. Nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng không đứng ngoài cuộc chơi.

Chiếc máy bay hai động cơ cánh quạt chuẩn bị cất cánh dưới ánh nắng mặt trời sa mạc ở thành phố Al Ain, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Bên dưới cánh máy bay này là hàng chục ống đựng muối. Phi công Michael Anstis xem kỹ bản đồ thời tiết để xác định các đám mây.

Ở độ cao hơn 2.700 mét so với mực nước biển, máy bay bắt đầu phun muối vào những đám mây có vẻ hứa hẹn đáp ứng việc kích mưa nhất.

Kích mưa từ mây là công việc vào hàng khó khăn nhất đối với phi công. Khi có mây, chúng tôi phải tính cách đi vào và ra khỏi đám mây sau khi kích mưa ngay, để không bị mưa giông hay mưa đá đổ xuống máy bay.

Chỉ được hưởng lượng mưa trung bình chưa đến 100 mm/năm, UAE hiện là nước dẫn đầu trong lĩnh vực kích mưa nhân tạo tại khu vực Trung Đông.

Tác động của biến đổi khí hậu, kết hợp với dân số ngày càng tăng và nền kinh tế đa dạng hóa sang lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực khác đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng nước ở UAE, vốn dựa vào các nhà máy khử muối sử dụng nước biển đắt tiền.

Việc tạo mưa nhân tạo làm tăng tỷ lệ mưa khoảng 10% đến 30% mỗi năm ... Theo tính toán của chúng tôi, hoạt động tạo mưa này có chi phí thấp hơn nhiều so với quá trình khử muối.

Trong khi những quốc gia giàu có như UAE đang bơm hàng trăm triệu USD vào nỗ lực này, các nước khác cũng không đứng ngoài cuộc đua.

Tại Trung Đông và Bắc Phi, Morocco, Ethiopia đã có chương trình gieo mây và Iran cũng vậy. A-rập Xê-út cũng mới bắt đầu chương trình ở quy mô lớn.

Tại châu Á, Trung Quốc đang có mục tiêu triển khai chương trình tham vọng nhất thế giới, nhằm thúc đẩy mưa hoặc ngăn chặn mưa đá trên một nửa diện tích đất nước. Mới đây, trong bối cảnh nắng nóng kỷ lục, Bắc Kinh đã cố gắng tạo ra cơn mưa nhân tạo trên sông Trường Giang, các tỉnh Trùng Khánh, Hồ Bắc…

Ưu điểm của phương pháp gieo hạt tạo mưa bằng máy bay là có phạm vi tác động lớn hơn, tốc độ lan truyền nhanh hơn. Phương pháp này hiệu quả hơn đối với các đám mây phân tầng quy mô lớn.

Mặc dù hệ thống tạo mưa nhân tạo cũng vướng phải nhiều tranh cãi vì những tác động tiêu cực lên môi trường, song theo các chuyên gia, ảnh hưởng này là không đáng kể.

 “Muối sử dụng trong việc tạo mưa về cơ bản không khác gì muối ăn trong nhà bạn hàng ngày. Còn về lượng khí phát thải từ máy bay, thực tế, đây chỉ là những máy bay nhỏ, và lượng khí thải của nó nhỏ hơn rất nhiều so với tổng lượng khí thải mà hàng tỷ chiếc xe hơi đang thải ra mỗi ngày.”

Dù còn nhiều tranh cãi, song trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến các đợt nắng nóng và khô hạn diễn ra thường xuyên hơn, không thể phủ nhận, những công nghệ “thay trời làm mưa” như thế này sẽ giúp mang tới một tương lai chắc chắn hơn cho các quốc gia.

Theo TTXVN

Xem thêm phản hồi...