Đào tạo lái xe trên cabin mô phỏng, phát sinh nhiều bất cập
Từ ngày 1/1/2023, người học bằng lái ô tô bắt buộc phải học lái xe trên cabin mô phỏng với thời gian 3 giờ thực hành. Sau hơn một năm tại các cơ sở đào tạo và sát hạch lái xe ô tô trên địa bàn tỉnh, phần thực hành lái xe trên cabin mô phỏng đã bộc lộ nhiều bất cập.
Cuối tháng 6 vừa qua, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, phường Bắc Hà, thành phố Hà Tĩnh đăng ký học lái xe ô tô giấy phép hạng B1 số tự động tại Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh.
Sau khi học xong phần lái xe đường trường, chị mới bắt đầu học phần thực hành trên cabin mô phỏng. Tuy nhiên chỉ mới học được hơn 30 phút chị cảm thấy chóng mặt, buồn nôn và phải dừng học nhiều lần.
Chị Nguyễn Thi Mỹ Hạnh cho biết khá mệt mỏi khi học trong cabin mô phỏng
Theo phản ánh của các trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe thì hầu hết các học viên khi học phần lái xe trên cabin mô phỏng đều xảy ra tình trạng mệt mỏi. Và nghịch lý là phần học này lại học sau khi học viên đã chạy xong đường trường.
Người học lái xe phải học đủ 3 tiếng trên cabin mô phỏng mới được thi sát hạch
Theo quy định, nếu không học đủ 3 tiếng trên cabin mô phỏng, người học sẽ không được sát hạch. Cho nên hầu hết các học viên học theo kiểu đối phó, dừng xe cho hết giờ, nên không mang lại hiệu quả.
Các phần học chưa sát với thực tế, học viên học theo kiểu đối phó. Trong khi đó, chi phí đầu tư cabin mô phỏng dao động từ 450 đến 600 triệu đồng/máy, phải bố trí nhân lực để đào tạo, khiến chi phí học lái tăng cao.
Việc đầu tư cabin mô phỏng để giúp người học lái xe làm quen, xử lý đa dạng tình huống là cần thiết, tuy nhiên để phần học này phát huy được hiệu quả như mong muốn thì cần nghiên cứu, thay đổi những điểm bất cập như hiện nay.
Thanh Quý, Trần Khánh/HTTV