/

Mã độc tống tiền – Nỗi ám ảnh kinh hoàng

14:28 06/04/2024
61 lượt xem

Trong các loại hình tấn công mạng, mã độc tống tiền là một trong những nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với các cá nhân và tổ chức trên toàn thế giới. Nó không chỉ ảnh hưởng đến người dùng cá nhân mà gây thiệt hại vô cùng lớn cho các công ty, tập đoàn lớn. Những đợt tấn công bằng mã độc có thể trở nên nguy hiểm hơn, qua mặt các giải pháp an ninh mạng hiện thời khi được tăng cường bởi trí tuệ nhân tạo.

Ngày 20 tháng 3 vừa qua, Cơ quan điều tra liên bang Mỹ FBI đã phối hợp với các đồng nghiệp Anh và châu Âu tiến hành một chiến dịch đặc biệt để triệt phá Lockbit - nhóm tội phạm khét tiếng chuyên đánh cắp thông tin trên mạng để tống tiền. Các thành viên Lockbit đã sử dụng mã độc ransomware để tấn công nhiều cơ quan, tổ chức lớn nhất thế giới, đánh cắp dữ liệu nhạy cảm và đe dọa rò rỉ lên mạng nếu nạn nhân không trả tiền chuộc.

Lockbit - nhóm tội phạm khét tiếng chuyên đánh cắp thông tin trên mạng để tống tiền

Ông Merrick B.Garland – Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ: “Đến nay đã có hơn 2.000 nạn nhân của Lockbit trên phạm vi toàn cầu, và nhóm này đã chiếm đoạt bất chính hơn 120 triệu đôla Mỹ tiền chuộc.

Trước khi bị triệt phá, Lockbit là một trong 5 mối đe dọa an ninh mạng nghiêm trọng nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong năm 2023. Hồi tháng 2, nhóm tội phạm này đã tấn công dịch vụ bưu chính Royal Mail của vương quốc Anh, đòi khoản tiền chuộc lên tới 80 triệu USD. Tháng 11 năm ngoái, hàng gigabite dữ liệu của Boeing đã bị rò rỉ, sau khi tập đoàn sản xuất máy bay này từ chối trả tiền cuộc cho Lockbit.

Theo dữ liệu được cập nhật vào tháng 3-2024 của tổ chức AAG, hơn một phần ba tổ chức trên toàn cầu đã phải hứng chịu một cuộc tấn công bằng ransomware. Trong nửa đầu của năm 2022, cả thế giới đã ghi nhận 236,1 triệu cuộc tấn công mã độc tống tiền. Trong số các nạn nhân  cáctổ chức trên thế giới chiếm tới 71%. Trước đó, năm 2021, thế giới hứng chịu 623,3 triệu vụ tấn công như vậy. Thiệt hại mà các vụ tấn công dạng này gây ra trên thế giới dự kiến sẽ lên tới 265 tỷ USD vào năm 2031.

Ông Joseph Cox – Motherboard: “Mã độc tống tiền là một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô. Các vụ tấn công này không dừng lại ở việc khóa máy tính của nạn nhân mà còn nhằm mục tiêu đánh cắp dữ liệu, tống tiền và nguy cơ lộ lọt thông tin khi nạn nhân không chấp nhận trả tiền chuộc.

Đáng lo ngại, những đợt tấn công bằng mã độc có thể trở nên nguy hiểm hơn, qua mặt các giải pháp an ninh mạng hiện thời khi được tăng cường bởi trí tuệ nhân tạo.

Ông Todd McKinnon – Giám đốc điều hành Okta: “Mã độc và các công cụ khai thác lỗ hổng sẽ được trang bị thêm trí tuệ nhân tạo để tăng khả năng khai thác lỗ hổng để qua mặt các giải pháp an ninh mạng.”

Theo các chuyên gia, tình hình hiện nay khác trước rất nhiều và người dùng cũng như doanh nghiệp trước hết phải chủ động tự bảo vệ mình trước các tình huống tấn công, thay vì chờ đợi sự hỗ trợ khi mọi việc đã xảy ra.

Theo TTXVN

Xem thêm phản hồi...