/

Mức giá cước trọn gói 11.000 đồng/tháng cho dịch vụ SMS Banking là hợp lý

08:25 03/03/2022
539 lượt xem

Thời gian vừa qua, người dùng tài khoản ngân hàng phàn nàn về việc bị thu phí cước SMS Banking nhiều để giải quyết vấn đề này, ngân hàng và các nhà mạng đã ngồi lại bàn thảo thống nhất đưa ra những phương án hợp lý nhất.

Để làm rõ hơn việc thu phí cược SMS Banking thời gian tới bao nhiêu là hợp lý, ông Trần Duy Hải, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT đã trả lời báo chí xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Mới đây, nhiều khách hàng đã phản ứng về việc một số ngân hàng nâng mức thu phí cước SMS Banking. Sau đó, các nhà mạng và các ngân hàng đã ngồi lại với nhau dưới sự chủ trì của Bộ TT&TT và Hiệp hội Ngân hàng thì vấn đề này đã được giải quyết cụ thể như thế nào?  Các ngân hàng thương mại đã đón nhận ra sao?

Ông Trần Duy Hải: Trong suốt thời gian xảy ra đại dịch Covid-19; thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, ngành Viễn thông cũng như ngành ngân hàng đã có những đóng góp hết sức thiết thực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các tuyến đầu chống dịch… Dịch Covid-19 xảy ra cũng đã tác động làm thay đổi nhiều thói quen của người dân, khách hàng như: Đặt hàng trên mạng, thanh toán trực tuyến, làm việc, học tập, khám chữa bệnh từ xa nhiều hơn…  lưu lượng các dịch vụ trực tuyến, trong đó có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt có xu hướng tăng cao. Khi sản lượng tăng lên thì giá dịch vụ sẽ giảm, do đó, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TT&TT, với tinh thần đồng hành cùng với khách hàng, người dân sử dụng dịch vụ, các doanh nghiệp viễn thông di động đã họp với các Ngân hàng thương mại về giá dịch vụ tin nhắn ngân hàng, tại cuộc họp đã có nhiều phương án được đưa ra thảo luận như tính toán theo sản lượng, thay đổi phương pháp tính cước theo gói... Các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp viễn thông đã thống nhất phương án thu trọn gói một mức thu cố định 11.000 đồng/tháng (đã bao gồm VAT) và không giới hạn số lượng tin nhắn khi sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Mức giá cước trọn gói không giới hạn lưu lượng đã nhận được sự chào đón và nhất trí cao của các ngân hàng thương mại tham dự cuộc họp do đáp ứng được xu hướng người dân, khách hằng ngày càng ưu thích sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nhưng không tăng cước thu của khách hàng. Về cơ bản, mức giá này dựa trên mức thu khách hàng của đa số các ngân hàng thương mại trước đây, nhưng với việc áp dụng phương pháp tính cước mới, cũng cùng số tiền này, khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt sẽ không phải trả thêm chi phí tin nhắn do không giới hạn về lưu lượng (thay thế cho phương pháp hiện nay các ngân hàng thương mại đối soát với các doanh nghiệp viễn thông theo từng tin nhắn, dẫn đến phải ban hành nhiều gói cước do sản lượng tin nhắn thấp hoặc cao hơn số thu của khách hàng).

Ông Trần Duy Hải: Áp dụng mức cước trọn gói này, trước mắt có ảnh hưởng đến doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông, theo tính toán sơ bộ, mỗi doanh nghiệp viễn thông sẽ giảm doanh thu của chính dịch vụ này khoảng 20% - 30% doanh thu tuỳ theo từng nhà mạng. Đối với các ngân hàng thương mại, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, hiện cũng đã giảm giá các dịch vụ liên quan đến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt… nên cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định. PV: Trước xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt thì số lượng tin nhắn của khách hàng và ngân hàng trong các giao dịch sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Vậy, với mức cước trọn gói này nó có ảnh hưởng gì đến doanh thu của các nhà mạng cũng như ngân hàng không thưa ông?

PV: Theo ông việc tính cước trọn gói như vậy sẽ tác động thế nào đến việc thúc đẩy người dân thanh toán không dùng tiền mặt cũng như thúc đẩy thương mại điện tử của Việt Nam?

Ông Trần Duy Hải: Việc tính cước theo gói, không giới hạn lưu lượng đã được các doanh nghiệp viễn thông áp dụng đối với 1 số dịch vụ trong lĩnh vực viễn thông trong những năm qua, đều đã phát huy tác dụng tốt, với phương thức tính cước này, dịch vụ được kích cầu và phát triển mạnh mẽ, lưu lượng tăng cao nên nếu tính theo lưu lượng bình quân thì giá bán rất rẻ, khách hàng và người dân được thụ hưởng và từ đó lại có tác động kích cầu, khuyến khích người sử dụng dịch vụ.

Với kinh nghiệm đó, với xu thế của thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử, trên nền tảng hạ tầng số (viễn thông) đang có chi phí thấp, nay cộng hưởng thêm giá dịch vụ tin nhắn ngân hàng được tính theo phương thức mới,  sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp viễn thông, các ngân hàng thương mại cũng như các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng , chúng tôi cho rằng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử sẽ tiếp tục có những bước phát triển bùng nổ hơn trong thời gian tới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Văn Phong, Thái Khang/QĐND.vn

Link bài gốc

 

Xem thêm phản hồi...