/

Vai trò của công nghệ trong việc cảnh báo sớm thiên tai

14:18 23/03/2022
949 lượt xem

Với chủ đề là “Cảnh báo sớm để Hành động sớm” Ngày Khí tượng Thế giới 23/3 năm nay nhằm tôn vinh những thành quả to lớn của các Cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia trong việc cải thiện hệ thống cảnh báo sớm đồng thời cũng nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của cộng đồng để giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong việc ứng dụng các thông tin cảnh báo sớm nhằm đưa ra hành động sớm.

Ngày 26/12/2004, một trận động đất lớn gây ra sóng thần khổng lồ trên khắp Ấn Độ Dương, làm hơn 230.000 người trên khắp 14 quốc gia thiệt mạng. Dù sống sót sau thảm họa trên nhưng anh Munandar, một người dân Indonedia đã mất đi 24 thành viên trong gia đình trong đó có vợ và các con.

Anh Arif Munandar phụ trách trạm radio cảnh báo thảm họa sóng thần

Anh Arif Munandar - Người dân Indonesia: “Tôi đã mất rất nhiều người thân, giờ tôi phải xây dựng lại mọi thứ bắt đầu từ con số không. Tôi sẽ không rời khỏi nơi này, đây là quê hương của tôi.”

Giờ đây anh Munandar phụ trách trạm radio cảnh báo các thảm họa như sóng thần cho người dân địa phương, như một cách để giúp đỡ mọi người không rơi vào hoàn cảnh như mình.

Anh Arif Munandar - Người dân Indonesia: “Nhiệm vụ của tôi là hạn chế tối thiểu thiệt hại trong trường hợp xảy ra thảm họa tương tự, ngay cả khi chúng tôi phải làm hoàn toàn thủ công.”

Như nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng của trận sóng thần lịch sử, Indonesia cũng tham gia mạng lưới cảnh báo sớm, vốn trước đây chỉ được lắp đặt tại khu vực Thái Bình Dương. Trong trường hợp có động đất, các cảm biến sẽ truyền tải thông tin qua vệ tinh tới các trung tâm cảnh báo.

Ông Srinivasa Tummala, Ban Thư ký Hệ thống Cảnh báo sóng thần tại Ấn Độ Dương: “Dù còn rất nhiều khoảng trống trong mạng lưới cảnh báo của chúng ta. Nhưng phải nói rằng công nghệ đã góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu thiệt hại thiên tai.”

Người dân được cảnh báo trên điện thoại

Người dân khu vực này hiện cũng đã có ứng dụng trên điện thoại, theo dõi thông tin cảnh báo sớm. Diễn tập ứng phó sóng thần vẫn được tổ chức hàng tuần ở mỗi địa phương. Tình huống giả định bao giờ cũng được đặt ở mức độ của năm 2004, thậm chí cao hơn.

Tại Bangladesh cũng sử dụng hệ thống cảnh báo thiên tai sớm cho bà con vùng sâu vừng xa thông qua điện thoại di động, từ đó giảm thiểu đáng kể tỷ lệ thương vong và hư hại tài sản.

Anh Lal Chand Mia – Người dân Bangladesh: “Tôi nghe tin nhắn thoại và biết được mức nước đang dâng cao trong 5 ngày tới nên tôi đã có thể kịp thời nhanh chóng có hành động sớm để tránh thiệt hại xảy ra.”

Nhật Bản, một trong những quốc gia phải hứng chịu nhiều thiên tai, đã áp dụng rất nhiều công nghệ cho hệ thống cảnh báo sớm của mình. Chẳng hạn như sử dụng siêu máy tính và AI để tăng cường năng lực cảnh báo sóng thần. Hay radar công nghệ cao có khả năng phác họa một bản đồ mây 3 chiều của các cơn mưa chỉ trong thời gian ngắn từ 30-60 giây, để dự báo mưa trước 30 phút.

Ông Petteri Taalas, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới:  “Chúng ta không thể tự mãn. Chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc đảm bảo rằng các thông tin cảnh báo sớm có thể đến với nhóm những người dễ bị tổn thương nhất, những người cần thông tin cảnh báo sớm nhất trên khắp thế giới.”

Nhờ có sự trợ giúp của công nghệ mà theo thống kê, trên toàn thế giới, số người chết do thiên tai đã giảm trong từng thập kỷ qua - từ hơn 50.000 ca tử vong trung bình mỗi năm trong những năm 1970 xuống còn dưới 20.000 vào những năm 2010.

Theo TTXVN

Xem thêm phản hồi...