/

Xu hướng "mua ngay - trả sau" nở rộ

08:53 23/02/2022
405 lượt xem

“Mua ngay trả sau” hình thức thanh toán này đang làm thay đổi xu hướng tiêu dùng và cấu trúc của hệ thống thanh toán hiện đại.

Rất nhiều giao dịch mua bán hàng ngày của anh Akshay Sawan được thực hiện thông qua ứng dụng "mua ngay - trả sau". Từ trả tiền taxi, mua hàng tạp hóa, thanh toán hóa đơn đến đặt hàng giao tận nơi, tất cả đều được thao tác trên ứng dụng, khiến việc mua sắm với anh Akshay dễ dàng hơn bao giờ hết.

 “Mua ngay trả sau” cho phép khách hàng mua sắm ngay lập tức thông qua các ứng dụng thanh toán kỹ thuật số. Lãi suất bằng 0 nếu người dùng thanh toán đúng hạn.

Để tham gia ứng dụng, người dùng cần có tài khoản ngân hàng để đăng ký. Các nền tảng sẽ sử dụng các thông tin có sẵn để quyết định hạn mức cho vay. Hạn mức có thể sẽ tăng dần tùy thuộc vào tần suất cũng như khả năng hoàn trả tiền của người dùng.

Theo phân tích của RedSeer, thị trường “mua ngay - trả sau” ở Ấn Độ dự kiến sẽ tăng gấp 10 lần, chạm ngưỡng 50 tỷ USD, với 100 triệu khách hàng vào năm 2026.

Hiện nhiều công ty lớn tại Ấn Độ như ứng dụng gọi xe Ola, Amazon Ấn Độ hay Paytm đã tham gia thị trường này. Ngay cả những công ty khởi nghiệp như Zest Money cũng đã ghi nhận số lượng khách hàng tăng gấp đôi trong năm qua.

Tuy nhiên, tiện lợi cũng đi kèm với rủi ro. Đầu tiên, nếu khách hàng không thanh toán đúng hạn sẽ bị tính phí thanh toán chậm. Đó cũng là cách các nền tảng thương mại kiếm lợi nhuận. Với công ty cho vay tín dụng, rủi ro tích tụ các khoản nợ mà khách hàng không thể chi trả sẽ trở thành mối lo ngại, đặc biệt là khi một khách hàng đăng ký cùng lúc nhiều nền tảng.

Thực tế là mô hình thanh toán nào cũng phải đi kèm luật bảo vệ tiêu dùng cơ bản đối với tín dụng. Vì vậy, các công ty công nghệ làm “mua ngay - trả sau” phải xây dựng hệ thống đánh giá tín dụng dựa trên dữ liệu đủ tốt. Còn người tiêu dùng cần sử dụng dịch vụ của đơn vị có uy tín, nếu không muốn rơi vào chiếc bẫy nợ xấu.

Theo TTXVN

 

 

Xem thêm phản hồi...