/

Đánh thức tiềm năng vùng bán sơn địa Cẩm Xuyên

14:41 11/04/2025
22 lượt xem

Với cách làm bài bản, sáng tạo, ngoài huy động nguồn lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các xã bán sơn địa ở huyện Cẩm Xuyên đã chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiều mô hình kinh tế trang trại vườn đồi, nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn từng bước được nhân rộng, cho thấy quyết tâm của cấp uỷ, chính quyền và người dân trong đánh thức tiềm năng kinh tế vùng bán sơn địa.

Ông Võ Văn Thắng kiểm tra sức khỏe đàn lợn nuôi theo mô hình hữu cơ

Tận dụng vườn đồi rộng, năm 2023, ông Võ Văn Thắng, xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại,  sản xuất theo hướng hữu cơ liên kết với công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm. Bước đầu ông thả nuôi 9 con lợn nái, 50 con lợn thương phẩm, 30 con bò và trồng gần 1ha lạc, kết hợp với nuôi giun quế. Theo ông Thằng, mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ không chỉ tiết kiệm được chi phí sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn mà còn giải quyết được bài toán về môi trường.

Toàn cảnh vùng bán sơn địa ở huyện Cẩm Xuyên – nơi nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới đang góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

Liên kết với doanh nghiệp là hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp, vì vậy cùng với nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, năm 2024, huyện Cẩm Xuyên đã phối hợp với Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, tỉnh Ninh Bình triển khai mô hình liên kết sản xuất dứa nguyên liệu theo chuỗi liên kết tại một số xã bán sơn địa. Với tổng diện tích hơn 75ha, nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đến nay, mô hình phát triển khá tốt, cho thấy sự phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của các địa phương.

Mô hình nuôi dê kết hợp trồng trọt đang được triển khai ở một số xã, mở ra hướng đi mới cho người dân trong phát triển kinh tế vườn đồi.

Với cách làm bài bản, sáng tạo, đặc biệt là mạnh dạn áp dụng nhiều mô hình sản xuất mới, tiềm năng trên vùng bán sơn địa đã từng bước được đánh thức. Ngoài các đối tượng nuôi chủ lực truyền thống như gà, lợn, bò, thì các xã cũng đã mạnh dạn đưa vào thử nghiệm nhiều loại cây trồng, vật nuôi mới. Đến nay, trên địa bàn 7 xã bán sơn địa huyện Cẩm Xuyên đã có hơn 300 mô hình kinh tế cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên, từ đó thúc đẩy kinh tế nông thôn, góp phần đưa chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất./

Theo Hà Vân – Hà Phương - Công Danh/HTTV

Xem thêm phản hồi...