/

Biến thể Delta tiếp tục đe dọa thành tựu chống dịch của thế giới

14:46 01/08/2021
464 lượt xem


Kể từ khi được xác định lần đầu tiên ở Ấn Độ vào cuối năm 2020, tới nay, biến thể Delta đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là dễ lây nhiễm nhất trong số các biến thể COVID-19 hiện nay. Biến thể đã có mặt tại 132 quốc gia và vùng lãnh thổ, có khả năng lây lan nhanh nhất, mạnh nhất và là biến thể đáng sợ nhất mà thế giới đang phải đối mặt.Hơn 1 năm sau dịch COVID-19 bùng phát, các nước vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với sự gia tăng của hàng trăm nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Đáng lo ngại là sự lây lan nguy hiểm của biến thể Delta.

WHO ngày 30/7 cảnh báo, thế giới có nguy cơ mất đi những thành quả chống COVID-19 khi biến thể Delta lây lan. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thông tin, lây nhiễm COVID-19 đã tăng 80% trong 4 tuần qua ở hầu khắp các khu vực trên thế giới.

Cùng ngày, một nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, công bố cho thấy, biến thể Delta sản sinh ra lượng virus như nhau ở những người đã tiêm và những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19. Với kết quả này, giới chức y tế liên bang Mỹ điều chỉnh khuyến nghị rằng những người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn nên đeo khẩu trang khi ở trong không gian kín. Theo các chuyên gia, vaccine sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, nếu một người đã tiêm vaccine mà vẫn nhiễm bệnh thì nguy cơ họ lây cho người khác vẫn cao như ở những người chưa được tiêm vaccine. Trong tuần qua, số ca nhiễm biến thể Delta chiếm ít nhất 92% số ca mắc mới tại Mỹ.

Mới đây, trong một nghiên cứu vừa được công bố trên chuyên san Nature, nhóm chuyên gia dịch tễ học của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã lý giải, những người nhiễm phải biến thể này có tải lượng virus cao hơn 1.260 lần so với chủng SARS-CoV-2 ban đầu, khiến nó rất dễ lây lan. Ngoài ra, nhóm tác giả cũng cho hay theo ước tính hiện tại, biến thể Delta có tốc độ lây truyền cao gấp 2 lần so với chủng SARS-CoV-2 gốc. Đồng thời, khả năng sinh sôi cũng vượt trội, thể hiện qua việc virus này hiện diện rõ rệt trong cơ thể bệnh nhân chỉ từ ngày thứ 4 sau khi nhiễm bệnh, so với mức trung bình là 6 ngày ở chủng SARS-CoV-2 ban đầu.

Bà Sharon Peacock, Tổng Giám đốc Hiệp hội Cog-UK nói: "Nguy cơ lớn nhất đối với thế giới lúc này chính là biến thể Delta. Biến thể Alpha đã từng càn quét thế giới và bây giờ Delta còn trội hơn thế. Đó là vấn đề đối với các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp, vì biến thể này rất dễ lây truyền bởi có thể tránh một phần phản ứng miễn dịch".

Hiện nay, biến thể Delta khiến nhiều nơi ở châu Á và châu Phi đều ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục, trong đó có cả những quốc gia trước đó từng kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh.

Theo DCSVN.vn

 

Xem thêm phản hồi...