Trên thế giới, các ngân hàng trung ương thường có một nhiệm vụ chung là bình ổn giá cả và kiềm chế lạm phát trong nước.

Tuy nhiên, tại Hàn Quốc, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) cần phải giải quyết một nhiệm vụ khác: Đó là quản lý nợ hộ gia đình. Đây là một nhân tố quan trọng trong mỗi quyết định về chính sách tiền tệ của BOK. Ông Park Jeongwoo, nhà kinh tế tại ngân hàng Nomura (Nhật Bản), nhận định: “BOK lo ngại về tác động tiêu cực lâu dài của tình trạng nợ hộ gia đình cao đối với tăng trưởng kinh tế. BOK cho rằng gánh nặng nợ cao hơn đã làm suy yếu sức mua của các hộ gia đình”.

Nợ hộ gia đình tăng cao gây nguy cơ cho kinh tế Hàn Quốc
Các gian hàng trong một cửa hàng của Lotte Mart ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP/TTXVN 

Hai yếu tố góp phần vào việc tăng số nợ trong các hộ gia đình Hàn Quốc là sử dụng nhiều thẻ tín dụng và thuê nhà ở.

Do không đủ khả năng tài chính để mua nhà, nhiều hộ gia đình Hàn Quốc, đặc biệt là ở các thành phố lớn, phải đi thuê nhà. Tuy nhiên, khác với hầu hết hệ thống cho thuê nhà trên thế giới, người thuê nhà ở Hàn Quốc phải trả một khoản đặt cọc lớn, được gọi là “jeonse”, thay vì tiền thuê nhà hằng tháng. Khi kết thúc hợp đồng thuê nhà, khoản tiền đặt cọc sẽ được trả lại cho người thuê nhà. Đối với chủ nhà, “jeonse” là khoản vay không tính lãi suất mà họ được tự do đầu tư. Tuy nhiên, người thuê nhà thường sẽ phải vay tiền để trả tiền đặt cọc “jeonse”.

Theo số liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tính tới quý II-2024, tỷ lệ nợ hộ gia đình/Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc là 91%. Con số này cao hơn đáng kể so với mức bình quân 68,9% tại các nền kinh tế phát triển khác. Số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, vào năm 2023, Hàn Quốc có tỷ lệ nợ hộ gia đình/GDP cao nhất tại châu Á với 93,54%.

Ông Ryota Abe, chuyên gia kinh tế tại bộ phận thị trường toàn cầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation, nhận định nợ hộ gia đình ở Hàn Quốc đang ở mức cao khiến khu vực tài chính trở nên dễ tổn thương hơn, qua đó tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế.

Theo Dương Lâm/qdnd.com.vn
Link bài gốc