Quân sự thế giới hôm nay (27-10): Israel nâng cấp hệ thống bảo vệ chủ động TROPHY
Quân sự thế giới hôm nay (27-10) có những nội dung sau: Iran phát triển hệ thống tên lửa đất đối không tầm cao AD-120; Israel nâng cấp hệ thống bảo vệ chủ động TROPHY; General Atomics phát triển đạn cơ động tầm xa LRMP.
* Iran phát triển hệ thống tên lửa đất đối không tầm cao AD-120
Ngành công nghiệp quốc phòng của Iran đang đẩy mạnh phát triển các hệ thống phòng không nội địa mới, như hệ thống tên lửa đất đối không tầm cao AD-120, có khả năng đánh chặn các mối đe dọa trên không ở phạm vi tối đa 120km và độ cao lên tới 27km.
Hệ thống tên lửa đất đối không tầm cao AD-120 được thiết kế để đánh chặn nhiều mối đe dọa trên không, bao gồm máy bay chiến thuật và chiến lược tiên tiến, phương tiện bay không người lái (UAV) và trực thăng. Hệ thống có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và được trang bị công nghệ radar, tên lửa tiên tiến để đảm bảo nhắm mục tiêu chính xác và đánh chặn các mối đe dọa.
Phóng tên lửa đất đối không AD-120 trong một cuộc thử nghiệm. Tên lửa đã thể hiện khả năng đánh chặn tầm xa trước các mối đe dọa trên không hiện đại, bao gồm máy bay, UAV và trực thăng. Ảnh: Công nghiệp quốc phòng Iran |
Một khẩu đội phòng không AD-120 gồm tối đa 3 xe TEL, được trang bị 4 thùng chứa tên lửa mỗi xe. Hệ thống còn có 1 radar tìm kiếm AD-120 SR để phát hiện sớm các mối đe dọa đang đến gần, cung cấp hệ thống dữ liệu cần thiết để tấn công các mục tiêu của đối phương. Hệ thống còn được trang bị radar theo dõi và chỉ thị mục tiêu AD-120 TIR, cho phép theo dõi và chỉ thị mục tiêu chính xác, đảm bảo dẫn đường cho tên lửa trong suốt quá trình tấn công.
Tên lửa AD-120 đất đối không có tầm bắn tối đa 120km, tối thiểu 7km, đặc biệt hiệu quả khi chống lại máy bay và UAV bay cao. Tên lửa được thiết kết nhỏ gọn với đường kính 400mm, nhưng có thể mang theo đầu đạn 90kg, được thiết kế cho cả chạm nổ và kích nổ tầm gần. Tổng trọng lượng của tên lửa là 995kg.
Tên lửa AD-120 hoạt động kết hợp giữa dẫn đường quán tính và dẫn đường radar bán chủ động và chủ động. Hệ thống dẫn đường tinh vi này đảm bảo tên lửa có thể theo dõi và đánh chặn chính xác các mối đe dọa trên không di chuyển nhanh, có khả năng cơ động cao.
* Israel nâng cấp hệ thống bảo vệ chủ động TROPHY
Công ty Quốc phòng RAFAEL của Israel đã bổ sung khả năng vô hiệu hóa UAV cho hệ thống bảo vệ chủ động TROPHY của mình. Sự nâng cấp này giúp đảm bảo khả năng sống sót cao hơn cho các nền tảng bọc thép trước các mối đe dọa trên bộ và trên không.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava 4 của Quân đội Israel được trang bị hệ thống bảo vệ chủ động TROPHY của RAFAEL, cung cấp khả năng phòng thủ tiên tiến chống lại mối đe dọa từ tên lửa và UAV. Nguồn ảnh: armyrecognition.com |
Hệ thống TROPHY đã được chứng minh khả năng vô hiệu hóa nhiều mối đe dọa hiện đại trên chiến trường, bao gồm tên lửa dẫn đường chống tăng, súng chống tăng, và hiện tại là UAV. Việc đưa UAV vào danh mục mối đe dọa càng củng cố thêm vị thế của TROPHY như một giải pháp phòng thủ toàn diện, cung cấp khả năng bảo vệ nâng cao chống lại các công nghệ mới nổi được sử dụng trong chiến tranh hiện đại.
TROPHY sử dụng các cảm biến và radar tiên tiến để phát hiện các vật thể bay tới, sau đó triển khai các biện pháp đối phó để vô hiệu hóa chúng trước khi chúng có thể tác động vào xe. Việc tăng cường thêm khả năng chống UAV giúp cung cấp thêm khả năng bảo vệ chống lại các mối đe dọa trên không, một thách thức ngày càng phổ biến trên chiến trường hiện đại, nơi UAV được sử dụng để trinh sát, chỉ định mục tiêu và tấn công trực tiếp. Khả năng vô hiệu hóa UAV mới này sẽ là một bước ngoặt đối với các lực lượng quân sự đang tìm cách phòng thủ chống lại một loạt các mối đe dọa rộng hơn trong môi trường chiến tranh đối xứng và phi đối xứng.
TROPHY của RAFAEL từ lâu đã được coi là một trong những hệ thống bảo vệ chủ động đáng tin cậy nhất trên thế giới. Hệ thống này đã được triển khai rộng rãi trên hơn 10 nền tảng quân sự trên toàn thế giới, trong đó có xe tăng chiến đấu chủ lực, xe chở quân bọc thép, xe chiến đấu bọc thép.
* General Atomics phát triển đạn cơ động tầm xa LRMP
Công ty Quốc phòng General Atomics Electromagnetic Systems (GA-EMS) của Mỹ đã phát triển đạn cơ động tầm xa (LRMP), một loại đạn pháo tiên tiến để cải thiện đáng kể các cuộc tấn công chính xác tầm xa. Với khả năng đạt tầm bắn hơn 120km, đạn cơ động tầm xa tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp 3 lần tầm bắn của các loại đạn pháo thông thường 155mm. Đạn tiên tiến này được thiết kế đặc biệt để tấn công cả mục tiêu tĩnh và mục tiêu di động, ngay cả trong môi trường không có GPS.
Tại triển lãm và hội nghị quốc phòng AUSA 2024 ở Washington DC, General Atomics đã giới thiệu đạn cơ động tầm xa (LRMP), nhấn mạnh khả năng nhắm mục tiêu chính xác và tầm bắn 120km mang tính đột phá cho cả ứng dụng trên bộ và trên biển. Ảnh: Army Recognition Group |
LRMP có thiết kế hình tam giác Reuleaux độc đáo. Khi phóng, đầu đạn đạt độ cao từ 12 đến 14km, tại đó nó triển khai các cánh có thể gập lại để tối đa hóa khả năng cơ động. Khả năng này cho phép LRMP thực hiện các thao tác "kết thúc" phức tạp, tăng khả năng bắn trúng các mục tiêu né tránh hoặc bị che khuất. Ngoài thiết kế vật lý, LRMP còn tích hợp hệ thống dẫn đường tiên tiến hoạt động độc lập với GPS.
So với đạn thông thường, LRMP cung cấp một số lợi thế đột phá như tầm bắn mở rộng, độ chính xác cao hơn và khả năng cơ động được cải thiện. Khả năng tấn công các mục tiêu di chuyển, hoạt động trong môi trường không có GPS và hỗ trợ các nhiệm vụ thu nhập thông tin tình báo, giám sát và trinh sát khiến nó trở thành giải pháp linh hoạt cho chiến tranh hiện đại. Hơn nữa, khả năng tương thích với các hệ thống pháo binh hiện có và thiết kế tiết kiệm chi phí, không yêu cầu động cơ đẩy phụ, giúp nó khác biệt so với các loại đạn truyền thống.
General Atomics đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất LRMP từ năm 2025.
Theo Mai Hương/qdnd.vn