Dấu tích thành cổ trong lòng thành phố trẻ
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Thành Hà Tĩnh xưa giờ không còn, nhưng sự tồn tại của nó hơn 1 thế kỷ là một dấu ấn có ý nghĩa đặc biệt với lịch sử 190 năm thành lập Hà Tĩnh.
Nhìn từ trên cao, toàn bộ khuôn viên được bao quanh bởi hào thành trước đây là Thành cổ Hà Tĩnh. Thành được đặt tại xã Trung Tiết xưa, nay là phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh.
Ông Thái Phúc Thiện, năm nay gần 90 tuổi, một trong những người được chứng kiến sự tồn tại và mất dấu của thành Hà Tĩnh. Theo ông Thiện, thành được xây dựng quy mô, kiên cố và được bảo vệ nghiêm ngặt. Trước ngày giành chính quyền Cách mạng tháng Tám, trong thành có nhiều cơ quan trọng yếu của chính quyền phong kiến Nam triều. Đây cũng từng là nơi thực dân Pháp giam giữ nhiều chiến sỹ cách mạng của ta. Năm 1947, kháng chiến chống Pháp, thực hiện chủ trường “tiêu thổ kháng chiến”, thành được phá bỏ.
Năm 1831, vua Minh Mạng cho lập tỉnh Hà Tĩnh. Hai năm sau, vào năm 1833, để bảo vệ lỵ sở của chính quyền, nhà Nguyễn cho xây Thành. Ban đầu thành được đắp bằng đấp, sau này xây lại bằng gạch và đá ong. Thành có kiến trúc Vô-băng, nhìn như một bông sen 8 cánh. Thành là trung tâm tỉnh lỵ của Hà Tĩnh dưới thời phong kiến.
Tuy chỉ tồn tại hơn 1 thế kỷ nhưng thành cổ Hà Tĩnh là một dấu ấn mang nhiều ý nghĩa quan trọng với vùng đất này. Những tư liệu mới nhất về thành cổ cho thấy vào cuối thể kỷ 19, đầu thế kỷ 20 nơi đây đã manh nha hình thành trung tâm thành thị. Đó là những khu phố buôn bán. Những dãy nhà được quy hoạch bài bản...
Thành xưa không còn. Giữa lòng thành phố trẻ hôm nay, dấu tích Hào thành giờ như một dòng sông nhỏ, góp phần tô dày thêm trang sử 190 năm trên vùng đất Thành Sen này.
Thành cổ xưa giờ đây đã là một trung tâm hành chính, điểm đến văn hóa của tỉnh Hà Tĩnh với những công trình khang trang, bề thế… Sự chia cắt bởi thành cao, hào sâu giờ cũng không còn nữa. Thay vào đó là những con đường nối dài mở rộng tạo nên sự đổi mới cho thành phố này./.
Nguyễn Trung/HTTV