/

Nét đẹp văn hóa của Rằm tháng Giêng

15:52 26/02/2021
460 lượt xem

Dân gian có câu: “Cả năm được rằm tháng Bảy, cả thảy được Rằm tháng Giêng”, với hàm ý, nói về ý nghĩa và tầm quan trọng của ngày Rằm tháng Giêng.  Ở nhiều dòng họ, Rằm tháng Giêng trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống. Đây là ngày mà con cháu trong dòng họ quây quần bên nhau, tế lễ, cầu cho một năm mới bình an, hạnh phúc. 

Con cháu dòng họ Đại tôn Lê Hữu Luân tề tựu đông đủ trong Ngày Rằm tháng Giêng 

Rằm tháng Giêng luôn là ngày lễ đặc biệt của dòng họ Đại tôn Lê Hữu Luân ở phường Văn Yên, thành phố Hà Tĩnh… Trong ngày này, không ai bảo ai, con cháu tề tựu, quây quần về Nhà thờ họ bày lễ vật, thắp hương, thành kính dâng lên tổ tiên. Lễ vật tuy không cầu kỳ nhưng phải được trình bày đẹp nhất, bao hàm nhiều ý nghĩa nhất.

Đây là dịp con cháu trong các dòng họ cùng tề tựu đông đủ. Mỗi người một tay, chuẩn bị lễ...

Thành kính dâng lên Tổ tiên

Mặc dù, cuộc sống hiện đại đã có nhiều thay đổi nhưng Rằm tháng Giêng vẫn là nét văn hóa truyền thống được lưu giữ trong tâm thức người Việt, dù làm gì ở  đâu, cụ già hay con trẻ đều sắp xếp thời gian tề tựu về nhà thờ họ để thắp nén tâm nhang tưởng nhớ công lao của các bậc tổ tiên.

Chồng cỗ cao… lễ vật gà bay… là một nét văn hóa độc đáo từ bao đời của dòng tộc Phan Hữu cũng như nhiều dòng họ ở xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà mỗi dịp lễ tết. Tất cả được chuẩn bị công phu, thể hiện bàn tay khéo léo, tài hoa và tấm lòng thành kính của cháu con dâng lên tổ tiên.

Những thành quả của lao động, sáng tạo

Trong 12 cái rằm, Rằm tháng Giêng mang nhiều ý nghĩa với nhiều tên gọi khác nhau như: Tết Nguyên tiêu, Thượng nguyên… Trải qua mỗi thời một khác, nhưng lễ Rằm tháng Giêng vẫn là nét truyền thống được lưu giữ trong đời sống tâm linh của người Việt. Trong ngày này, nhiều dòng họ không chỉ tổ chức Lễ Tế tổ, mà còn là dịp để tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa trong họ tộc, tăng thêm sự gắn kết, phát huy truyền thống dòng họ.

và biểu dương, tôn vinh những thành tích của con cháu trong dòng tộc

Dù, mỗi dòng họ có cách thức tổ chức khác nhau, nhưng Rằm tháng Giêng đã thực sự trở thành một nghi thức quen thuộc trong đời sống tâm linh từ bao đời nay của người dân  Việt Nam. Là cách mà mỗi người con hướng về nguồn cội với cả tấm lòng thành kính, biết ơn. Và là dịp mỗi dòng họ truyền tụng cho nhau về gia phong, gia huấn, khuyến học, mừng thọ để khuyên răn mọi người giữ gìn nếp sống, khuyến khích con cháu học hành, tu dưỡng để làm rạng danh dòng tộc, quê hương./.

Tuệ Trang – Thành Trọng/HTTV

Xem thêm phản hồi...