/

Con người nghệ sĩ của Vua Hàm Nghi

09:33 01/04/2025
24 lượt xem

Trong thời gian bị thực dân Pháp lưu đày ở nước ngoài, vị vua yêu nước Hàm Nghi (1871-1944) đã trở thành họa sĩ có tiếng. Cuốn sách “Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger” do Tiến sĩ Amandine Dabat (hậu duệ đời thứ 5 của Vua Hàm Nghi) biên soạn sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm khía cạnh con người nghệ sĩ của Vua Hàm Nghi.

Vua Hàm Nghi cùng đại thần Tôn Thất Thuyết phát động Phong trào Cần Vương chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp vào năm 1885. Ba năm sau, ông bị thực dân Pháp bắt và đưa đi lưu đày ở thủ đô Alger (Algérie). Trong quãng đời lưu đày, ông sáng tác mỹ thuật và trở thành một họa sĩ được giới chuyên môn đánh giá cao.

 Bìa cuốn sách.

Cuốn sách “Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger” do Tiến sĩ Amandine Dabat, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật biên soạn được xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp với tên gọi “Ham Nghi-Empereur en exil, artiste à Alger”, do Nhà xuất bản Sorbonne ấn hành năm 2019. Sau đó, cuốn sách được Nguyễn Thị Hiệp chủ trì dịch sang tiếng Việt và được Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 2024, với độ dày 574 trang. Sách gồm có 71 trang tác phẩm mỹ thuật, 12 trang tác phẩm điêu khắc, 68 trang ảnh tư liệu, thư từ...

Cuốn sách là một công trình nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của Vua Hàm Nghi trong vai trò một vị vua yêu nước và một nghệ sĩ tài hoa trong thời gian ông lưu vong. Đây không chỉ là công trình khoa học đầy tâm huyết của Tiến sĩ Amandine Dabat mà còn là hành trình giàu cảm xúc, cung cấp nhiều tư liệu mới, làm sáng tỏ cuộc đời và tâm hồn vị vua yêu nước. Cuốn sách lột tả khía cạnh nghệ thuật ít được biết đến của vị hoàng đế-nghệ sĩ, một trong những người để lại dấu ấn đậm nét trong nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Dưới ngòi bút của Tiến sĩ Amandine Dabat đã hiện lên hình ảnh một vị vua yêu nước, người cha thương con và một nghệ sĩ tài hoa. Khi cầm trên tay cuốn sách, chúng ta không chỉ đọc về cuộc đời vị hoàng đế lưu vong mà còn cảm nhận được sự hòa quyện tuyệt vời giữa sức mạnh văn hóa và tinh thần dân tộc. Lật giở từng trang giới thiệu về tác phẩm hội họa của Hàm Nghi, ông đã truyền tải sự cô đơn khi phải rời xa quê nhà, một sự đau đáu nhớ về cội nguồn. Các bức tranh của ông rất ít khi xuất hiện con người, đơn thuần là các bức tranh về phong cảnh và khi xem tranh của Hàm Nghi, người xem khó phân biệt được phong cảnh đó là ở Pháp, ở Alger hay ở Việt Nam. Đó là cách mà hoàng đế muốn gửi gắm nỗi đau cũng như niềm nhớ quê hương, đó cũng là cách ông chọn để vượt qua khó khăn, nghịch cảnh.

Cuốn sách không chỉ là một tài liệu lịch sử, văn hóa quan trọng mà còn mở ra những góc nhìn sâu sắc về một giai đoạn đầy biến động trong lịch sử dân tộc. Đồng thời, cuốn sách cung cấp nhiều tư liệu mới, làm sáng tỏ cuộc đời và tâm hồn của một vị hoàng đế đặc biệt; cung cấp một góc nhìn khác cho lịch sử mỹ thuật mà sách, báo chính thống về lịch sử mỹ thuật hay các bảo tàng của Việt Nam từng đề cập. Với những tư liệu phong phú do cuốn sách này cung cấp, có thể thấy, lịch sử mỹ thuật Việt Nam cần được viết bổ sung, viết mới thêm về họa sĩ, nhà điêu khắc tài hoa Hàm Nghi.

Theo Lệ Thu/qdnd.vn

Link bài gốc

 

Xem thêm phản hồi...